Sau 05 năm thực hiện Kế hoạch 92, tăng trưởng kinh tế của tỉnh được duy trì ở mức khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. GRDP bình quân đầu người của tỉnh cao hơn bình quân chung của khu vực miền núi phía Bắc và bằng khoảng 92% GDP bình quân đầu người của cả nước. Cơ cấu GRDP chuyển dịch tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; kim ngạch xuất nhập khẩu và thu ngân sách Nhà nước tăng trưởng cao; các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, sản phẩm công nghệ cao và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao tiếp tục phát triển; diện tích trồng cây lương thực được duy trì ổn định, dịch tích trồng cây ăn quả được mở rộng. Trong 08 nhóm chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch đã đề ra, có 02 chỉ tiêu đạt và vượt, còn 05 chỉ tiêu không đạt và 01 chỉ tiêu cơ cấu kinh tế không so sánh do bổ sung thêm lĩnh vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm.
Để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tỉnh đã chủ động thể chế hóa các chính sách, pháp luật phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi. Thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách hành chính được đẩy mạnh. Đã thành lập và hiện đại hóa Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, duy trì bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở 151 xã, phường, thị trấn. Đến cuối năm 2021 đã thực hiện cung cấp 912 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 590 dịch vụ công mức độ 4, số thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông là 1.890 thủ tục. Qua đó thời gian giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị đã được rút ngắn. Môi trường kinh doanh của tỉnh được cải thiện, ngày càng có nhiều nhà đầu tư đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp, người dân, các tổ chức trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã huy động được trong giai đoạn 2017 – 2021 đạt khoảng 74.065 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công là 16.159 tỷ đồng được đầu tư vào hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, cấp điện, cấp, thoát nước, giáo dục, y tế, du lịch và phát triển sản xuất kinh doanh. Kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, nhiều tuyến giao thông trọng điểm đã được đầu tư, nâng cấp như: Đường Hòa Lạc – thành phố Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình; đường tỉnh 433 đoạn Km0-Km23, đường tỉnh 435, đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn – Tân Lạc, đường Hang Kia – Cun Pheo – Quốc lộ 6, cầu Hòa Bình 2…Đến nay trên địa bàn tỉnh có 10.446,8km đường bộ, số bê tông hóa, nhựa hóa, đạt chuẩn chiếm tỷ lệ cao. Hệ thống các công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư. Trong 5 năm có gần 400 công trình thủy lợi được đầu tư nâng cấp, hơn 250km kênh mương được kiên cố, các hồ, đập, bai, kênh mương thường xuyên được duy tu bảo dưỡng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.900 công trình thủy lợi, 3.723km kênh mương tưới các loại, trong đó đã kiên cố hóa được 1.850km, đạt gần 50%, đảm bảo tưới chủ động cho trên 53 nghìn ha cây hàng năm. Hạ tầng phục vụ thương mại – dịch vụ được quan tâm đầu tư phát triển. Trong 5 năm đã có 22 chợ truyền thống, 01 trung tâm thương mại và 01 siêu thị được xây dựng mới; nâng cấp, cải tạo được 13 chợ truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 95 chợ, 07 siêu thị và 01 trung tâm thương mại….
Nhìn chung, sau 05 năm thực hiện Kế hoạch số 92, quy mô kinh tế của tỉnh không ngừng được mở rộng, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khá, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp – xây dựng, giảm tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Cơ cấu trong nội bộ từng ngành cũng có chuyển biến tích cực, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp có nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm được hình thành, các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội từng bước được đầu tư nâng cấp. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa các vùng ngày càng hoàn thiện, thuận lợi cho giao thương kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế đã góp phần quan trọng vào cải thiện chất lượng cuộc sống Nhân dân, giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. GRDP bình quân đầu người tăng dần qua các năm; đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, các chính sách an sinh xã hội ngày càng được mở rộng.
Thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 92/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đưa kinh tế tỉnh Hòa Bình sớm đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020, Nghị quyết số 09/2021 của BTV Tỉnh ủy về cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước. Trong đó tập trung triển khai một số nhiệm vụ như: Nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tập trung thực hiện kế hoạch đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông; cơ cấu lại các ngành kinh tế, tập trung nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của ngành kinh tế…/.