DetailController

Thời sự trong ngày

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh

27/10/2021 00:00
Trong những năm qua, Hội đồng nhân dân; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt được nhiều kết quả phấn khởi, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của hoạt động giám sát chuyên đề được nâng lên; góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) phát biểu kết luận tại buổi giám sát.

Việc thực hiện đa dạng, linh hoạt các hình thức, phương thức giám sát giúp đánh giá toàn diện vấn đề; đảm bảo giám sát vừa bao quát, vừa chuyên sâu, vừa có sự kết nối đồng bộ giữa các khâu, các hình thức giám sát. Nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề đoàn viên, hội viên và nhân dân quan tâm. Hoạt động giám sát đảm bảo công khai, khách quan, tập trung dân chủ, đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Thông qua giám sát đã phát hiện kịp thời những sai sót, yếu kém; sửa đổi những quy định không phù hợp, những nội dung chưa sát với thực tiễn; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Từ năm 2018 đến nay, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân các cấp đã thực hiện được 1.908 cuộc giám sát (Trong đó: cấp tỉnh 143 cuộc, cấp huyện 475 cuộc, cáp xã 1.290 cuộc), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã thực hiện 2.057 cuộc giám sát (Trong đó: cấp tỉnh 157 cuộc, cấp huyện 475432 cuộc, cáp xã 1.462 cuộc). Nội dung giám sát tập trung trên các lĩnh vực như: công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp; công tác giảm nghèo; việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, các quy định của pháp luật; thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp các đơn vị hành chính; việc thực hiện chính sách đối với ngành y tế, giáo dục, cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp lại đơn vị hành chính; giám sát tình hình trật tự an toàn giao thông; hàng giả, hàng nhái; kết quả thực hiện kiến nghị của các đoàn giám sát Hội đồng nhân dân; kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân; việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến đoàn viên, hội viên và nhân dân trên các lĩnh vực; công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; an toàn vệ sinh thực phẩm; việc thực hiện Luật đất đai; công tác quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp, …

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là chủ yếu, hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như: Công tác phối hợp giữa Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và các cơ quan hành chính nhà nước trong hoạt động giám sát chưa được thường xuyên. Một số cơ quan, đơn vị được giám sát báo cáo kết quả việc sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, tồn tại sau thông báo kết luận của đoàn giám sát còn chung chung, chưa cụ thể.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên nhằm thực hiện tốt hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TU, ngày 14/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 44-CT/TU).  Các cấp ủy đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác giám sát. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về công tác giám sát. Lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân, các cơ quan giải quyết kịp thời những kiến nghị sau giám sát của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

 Hai là:  Chính quyền các cấp công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành. Phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện giám sát. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về công tác cải cách hành chính, trong đó xác định cải cách hành chính là một trong bốn khâu đột phá chiến lược của tỉnh, hướng đến xây dựng hệ thống chính trị minh bạch, năng động, luôn đồng hành với người dân và doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh nếp sống văn minh, văn hóa công sở; mở rộng tiếp xúc, đối thoại với người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Hằng năm, xây dựng kế hoạch phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp với những nội dung cụ thể, thiết thực. Tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chức năng giám sát của mình. Tiếp thu, trả lời kịp thời những kiến nghị sau giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

 Ba là: Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt việc giám sát. Hằng năm, Hội đồng nhân dân, uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân để xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giám sát, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn phương pháp giám sát, phản biện phù hợp. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về kết quả giám sát; thực hiện tốt việc công khai kết quả giám sát và tổng hợp, báo cáo tham mưu, đề xuất kịp thời với cấp ủy. Huy động đội ngũ các chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực tham gia vào quá trình giám sát bằng các hình thức như tư vấn về quy trình và kết quả giám sát, hậu kiểm kết quả xử lý các kiến nghị giám sát… nhằm tạo bước đột phá trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Sau giám sát cần theo dõi, đôn đốc, tổ chức giám sát việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất sau giám sát của các cơ quan có thẩm quyền; chất vấn, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đầy đủ, kịp thời các đề xuất, kiến nghị của đoàn giám sát.

 Bốn là: Tiếp tục tổ chức tập huấn, nhằm nâng cao kỹ năng, năng lực giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ các Đại biểu Hội đồng nhân dân, cán bộ Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Hướng dẫn hoạt động cho ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư  cộng đồng. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các ban tư vấn, tổ tư vấn và Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng.

 Năm là: Tăng cường phối hợp, trao đổi, thống nhất giữa các cơ quan trong thực hiện công tác giám sát để tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước các cấp, góp phần xây dựng tỉnh thành ngày càng phát triển./.