Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tập trung nâng cao năng lực các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; về xây dựng, thẩm định chương trình, giáo trình; về đội ngũ nhà giáo,...., đẩy mạnh hoạt động tư vấn, tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên, đảm bảo trên 85% đối với trình độ cao đẳng, trung cấp; trên 80% đối với trình độ sơ cấp vào đào tạo thường xuyên. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, nhất là kinh phí hỗ trợ thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo đúng nội dung, đối tượng, quy trình có chất lượng và hiệu quả.
Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2030 thu hút 40-45% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo thường xuyên, đào tạo lại cho khoảng 35% lực lượng lao động; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70% (trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt trên 32%). Thực hiện rà soát, sát nhập các trường cao đẳng, trung cấp công lập theo nội dung Kế hoạch số 218-KH/TU, ngày 16/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; ưu tiên quỹ đất tạo điều kiện phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư với nước ngoài; đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 32 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 03 cơ sở do trung ương quản lý và 29 cơ sở do địa phương quản lý, trong đó có 15 cơ sở tư thục.
Nhiệm vụ và giải pháp: Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 248-KH/TU ngày 26/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung kịp thời các ngành nghề nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của doanh nghiệp được cụ thể hóa tại các Đề án của tỉnh. Đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo có chiều sâu, tập trung chuyên sâu cho các mô đun chuyên ngành, không dàn trải có tính chất kế thừa, phát triển, đặc biệt những nghề trọng điểm quốc gia đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt. Triển khai rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hòa Bình theo nội dung Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Có chính sách thu hút giáo viên có kỹ năng nghề cao, có hướng mở trong công tác tuyển dụng các nhà giáo đối với một số ngành khó tuyển dụng giáo viên, giảng viên giảng dạy một số nghề như: nghề hàn bậc cao, nghề vận hành các loại máy thi công,...; hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo. Thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc 03 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá về công tác giáo dục nghề nghiệp.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai đầy đủ các nội dung Kế hoạch số 248-KH/TU, định kỳ tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện rà soát, lập Đề án sáp nhập các trường cao đẳng, trung cấp công lập; xây dựng chính sách thu hút giáo viên có kỹ năng nghề cao và đề xuất hướng mở trong công tác tuyển dụng các nhà giáo đối với một số ngành khó tuyển dụng giáo viên, giảng viên như: Nghề hàn, Nghề vận hành các loại máy thi công, ....; đề xuất tôn vinh người lao động có kỹ năng, tay nghề cao. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan trong việc xem xét các dự án đầu tư thành lập mới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục. Tăng cường đôn đốc việc tổ chức thực hiện các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổng hợp báo cáo định kỳ hoặc đột xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu,… nhằm thực hiện tốt mục tiêu tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 và Quyết định số 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục. Chủ trì phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Sở Nội vụ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và đơn vị liên quan thực hiện rà soát, lập Đề án sáp nhập các trường cao đẳng, trung cấp công lập theo nội dung Kế hoạch số 218-KH/TU, ngày 16/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian thực hiện năm 2028. Việc thực hiện tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp; xây dựng kế hoạch thi thăng hạng, xếp hạng chức danh nghề nghiệp; chính sách thu hút giáo viên có kỹ năng nghề cao và hướng mở trong công tác tuyển dụng các nhà giáo đối với một số ngành khó tuyển dụng giáo viên, giảng viên như: Nghề hàn, Nghề vận hành các loại máy thi công,....
Sở Tài chính chủ trì, trong việc phân bổ các nguồn lực, hằng năm ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn. Cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước hằng năm để thực hiện các hoạt động chuyên môn như tổ chức Hội thi tay nghề, Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm, Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh và các hoạt động chuyên môn khác đạt chất lượng, hiệu quả, đúng quy định hiện hành. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, đôn đốc triển khai Đề án“Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tại Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 24/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tổng hợp báo cáo kết quả phân luồng theo quy định tại khoản 2, Điều 8, Quyết định số 1662/QĐ-UBND ngày 23/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan trong việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất; kiểm tra việc miễn tiền thuê đất và thông báo cho cơ quan thuế các dự án đầu tư về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 248-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Chỉ đạo quyết liệt công tác phân luồng theo nội dung Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 24/7/2019 của UBND tỉnh, có đánh giá cụ thể về số lượng và tỷ lệ hằng năm để kịp thời đưa ra các giải pháp thực hiện. Có phương án đầu tư mở rộng thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, đội ngũ nhà giáo cho Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp để đáp ứng quy mô thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề nghiệp sau phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS,THPT của địa phương. Tổ chức thực hiện tốt các dự án, tiểu dự án thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các lớp đào tạo nghề về đối tượng, quy trình tổ chức đào tạo, chất lượng và hiệu quả sau đào nghề. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát về kết quả, hiệu quả các hoạt động đào tạo nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện, thành phố đảm bảo đúng đối tượng chính sách được hưởng theo quy định.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác phối hợp với các trường trung học cơ sở, trung học phổ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và doanh nghiệp trong công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo. Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình để thực hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa hoặc vừa học văn hóa vừa học nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện để học sinh tốt nghiệp vừa có bằng trung học phổ thông vừa có bằng nghề đảm bảo chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ. Đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho học sinh sinh viên như công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; công tác rà soát, xây dựng thẩm định chương trình, giáo trình đào tạo đảm bảo quy định phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp; các hoạt động hội thi tay nghề, hội thi thiết bị dạy nghề tự làm; hội giảng nhà giáo cấp cơ sở. Tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; về nguyên nhiên vật liệu; về đội ngũ nhà giáo để học sinh, sinh viên được thực hiện đầy đủ thời gian học tập theo chương trình đào tạo; chú trọng thời gian học sinh, sinh viên thực tập hết môn, thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp nhằm tăng cường rèn luyện kỹ năng nghề. Chủ động liên kết, phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và thực tập hết môn, thực tập tốt nghiệp và tiếp nhận lao động sau đào tạo. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan có thẩm quyền về công tác giáo dục nghề nghiệp. Định kỳ tổng hợp báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, những thuận lợi, khó khăn, đề xuất, kiến nghị./.