Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng hiện có. Quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, cơ cấu kinh tế mặ cdù đã chuyển dịch theo đúng hướng nhưng còn chậm. Các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; công nghiệp thông minh chưa có. Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Tốc độ phát triển doanh nghiệp còn chậm, quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập.
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế; lợi thế của địa phương; kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu; chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế của địa phương, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, chú trọng đẩy mạnh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp. Coi phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ưu tiên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Hòa Bình đạt trình độ phát triển ở mức thu nhập trung bình khá của cả nước trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc, với vị trí là trung tâm kết nối giữa Hà Nội với vùng Tây Bắc. Đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển, có thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao, là trung tâm dịch vụ du lịch và công nghiệp chế biến chế tạo hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Cùng với đó, phấn đấu tốc độ tăng tưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) bình quân khoảng 9%/năm. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 185 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng năng xuất lao động 8%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động dưới 45%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 32 – 35%. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản trên 80%. Tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 51% GRDP; tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 32%. 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng; tỷ lệ lấp đầy diện tích các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thành lập theo quy định bình quân đạt từ 80%. Hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đóng góp từ 20 – 30% tổng thu ngân sách Nhà nước; giải quyết việc làm trên 100.000 lao động. Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP. Hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy quá trình phát triển đô thị thông minh; từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội hỗ. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 43,18%. Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp dang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 100%./.