Những năm qua, công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đã và đang được các cấp, ngành triển khai nhằm góp phần tích cực vào công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao chất lượng sức khỏe nhân dân và ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh. Kết quả đó thể hiện ở việc số người tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT ngày càng tăng; quyền lợi của người tham gia ngày càng được bảo đảm.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và đề cao trong hệ thống an ninh xã hội. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống BHXH từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt công tác BHXH, BHYT. Theo đó, số người tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT ngày càng tăng; quyền lợi của người tham gia ngày càng được bảo đảm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 57.650 người tham gia BHXH, chiếm 11,8% lực lượng lao động (trong đó có 44.200 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm khoảng 9,02%); có 745.910 người tham gia BHYT, chiếm 92,5% dân số toàn tỉnh (trong đó 728.148 người tham gia BHYT bắt buộc, 17.762 người tham gia BHYT tự nguyện). Công tác chi trả lương hưu và các chế độ BHXH được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Công tác khám, chữa bệnh BHYT theo định xuất, phân cấp khám chữa bệnh và thanh toán, quyết toán kinh phí BHYT, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chuyển viện...có chuyển biến tích cực. Bộ máy của BHXH tỉnh được tổ chức theo hướng chuyên môn hóa, đồng thời thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương đáp ứng yêu cầu thực hiện các chế độ chính sách BHXH, BHYT, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân và ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp những khó khăn do tỷ lệ người tham gia BHXH còn thấp, bằng khoảng 11,8% lực lượng lao động; việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT của các đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, vẫn còn có đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật BHXH, BHYT như: đóng BHXH, BHYT, BHTN không hết số lao động của đơn vị đang sử dụng; đóng không đúng đối tượng; đóng mức thấp hơn mức lương hiện hưởng tại đơn vị; đóng không đúng thời gian quy định (năm 2012 số tiền BHXH, BHYT, BHTN nợ đọng trên 52 tỷ đồng); ký hợp đồng lao động mùa vụ dưới 3 tháng với người lao động để trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN...Việc lạm dụng quỹ BHYT vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở khám chữa bệnh; một số quy định về giải quyết hưởng BHTN chưa chặt chẽ; công tác thanh, kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ý thức trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH, BHYT còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài Nhà nước; nhiều doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động nên không có nguồn kinh phí trả lương và đóng BHXH, BHYT cho người lao động, nhất là doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực xây dựng, thủy lợi và giao thông vận tải; quy định về việc xử lý vi phạm vẫn còn có những bất cập, mức xử phạt còn nhẹ; lãi suất phạt nộp chậm thấp hơn lãi suất vay của ngân hàng thương mại; cơ quan BHXH không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ nhắc nhở nên tác dụng ngăn ngừa, răn đe đối với các hành vi vi phạm luật còn hạn chế; việc đôn đốc thu nợ của một số đơn vị trong ngành BHXH chưa được quan tâm đúng mức; năng lực chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ còn hạn chế.
Nhằm triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 cũng như khắc phục những tồn tại hiện nay trên địa bàn, tỉnh Hòa Bình sẽ tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể các cấp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT; thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT; tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tham gia BHXH, BHYT; phấn đấu đến năm 2014 đạt và duy trì bền vững mục tiêu BHYT toàn dân; đến năm 2020 có khoảng 40% lực lượng lao động tham gia BHXH và trên 30% lực lượng lao động tham gia BHTN. Để thực hiện nhiệm vụ đó tỉnh sẽ tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH, BHYT đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân; chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của nó; biểu dương các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trốn nộp, nợ tiền và các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi BHXH, BHYT. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền về công tác BHXH, BHYT; quan tâm chỉ đạo, phối kết hợp chặt chẽ trong việc triển khai, hướng dẫn và tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng thực thi công tác BHXH, BHYT. Trong quá trình hoạt động, các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp cần lồng ghép đưa pháp luật về BHXH, BHYT đến với cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân, nhất là tại các khu sản xuất kinh doanh của các đơn vị ngoài Nhà nước; gắn việc học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về BHXH, BHYT với xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.
Đồng thời BHXH tỉnh chủ động và thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương trong việc thực hiện các quy định của lật BHXH như: tổ chức khai thác tăng người tham gia, thu BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết hưởng các chế độ BHXH, quản lý đối tượng và chi trả các chế độ BHXH đảm bảo kịp thời, đúng chế độ, đủ số lượng tới người hưởng chế độ; phối hợp xây dựng và thực hiện hiệu quả các quy chế và chương trình phối hợp trên từng lĩnh vực công tác BHXH, BHYT; đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người tham gia BHXH, BHYT; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác BHXH, BHYT ở tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH. Các ngành chức năng chỉ đạo các trường học thực hiện tốt BHYT học sinh, sinh viên, củng cố hệ thống y tế trường học, sử dụng kinh phí học đường đúng mục đích và có hiệu quả; các huyện, thành phố theo phạm vi chức năng quản lý chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc và UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với BHXH huyện, thành phố thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT nhất là công tác kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện của các đơn vị trên địa bàn quản lý.