DetailController

Kinh tế

Tích cực triển khai đề án thu gom và xử lý chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt

26/12/2022 00:00
Thực hiện Quyết định số 2079/QĐ-UBND ngày 16/9/2021 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt Đề án "Thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình", năm 2022, các huyện, thành phố đã tập trung triển khai đề án và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Duy trì các bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường

Trong năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức, phối hợp tập huấn, tuyên truyền được trên 50 lớp với hơn 1.500 lượt người tham gia về hướng dẫn sử dụng an toàn thuốc BVTV và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng cho các xã ở các vùng sản xuất trồng trọt trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt, trong hoạt động quảng bá, hội thảo về thuốc bảo vệ thực vật đều có quy định bắt buộc giới thiệu về nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ an toàn, hiệu quả. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các Sở, ngành liên quan đã phối hợp lồng ghép trên 100 lớp với trên 4.000 người dân, hội viên tham gia vận động thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo bền vững.

Hiện toàn tỉnh đang duy trì 1.568 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật (năm 2022 thêm mới 31 bể chứa); các bể chứa hầu hết ở các khu vực sản xuất trồng trọt tập trung, gần trục giao thông nội đồng và thuận tiện cho người dân thu gom sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; 01 cơ sở lưu chứa bao gói thuốc BVTV (Mai Châu); 01 cơ sở đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại (Lạc Thủy); Số lượng bao gói thuốc BVTV được thu gom khoảng 8.200kg, ước đạt khoảng 20% tổng lượng bao gói thuốc BVTV sử dụng. Lượng chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt được thu gom, tái sử dụng, tái chế khoảng 800 tấn (chủ yếu là bao bì phân bón, lước cước, màng phủ, túi bầu...).

Lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã thu gom vào các bể chứa hàng năm chiếm khoảng 20% tổng bao gói thuốc BVTV toàn tỉnh. Số còn lại hầu hết được người sản xuất gom lại ngay tại đồng ruộng (đặc biệt trên diện tích trồng cây ăn quả, cây rau) và tự tiêu hủy bằng cách đốt. Trong đó, lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã thu gom được ký kết hợp đồng xử lý theo đúng quy định chiếm khoảng 6,8% tổng bao gói thuốc BVTV, tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp sản xuất trồng trọt với quy mô lớn (Công ty TNHH MTV Cao Phong; Công ty TNHH MTV Sông Bôi...). Lượng chất thải nhựa được thu gom chiếm khoảng 40%, một phần được tái chế, tái sử dụng; còn lại chủ yếu được vận chuyển, xử lý cùng với rác thải sinh hoạt.

Nhìn chung, tại các vùng sản xuất tập trung đã có bể chứa, tình trạng vứt bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đã được hạn chế đáng kể. Ý thức của người sản xuất trong công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền cơ sở đã bước đầu vào cuộc tích cực, nhất là những xã đang nỗ lực thực hiện tiêu chí về môi trường trong bộ tiêu chí nông thôn mới. Một số xã đã đưa vấn đề cấm sử dụng thuốc trừ cỏ trên cơ sở hương ước, quy ước thôn bản và có quy định về việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Kế hoạch năm 2023, các huyện, thành phố tiếp tục đôn đốc triển khai quyết liệt Đề án “Thu gom, xử lý bao gói thuốc Bảo vệ thực vật và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tăng cường thông tin, tuyên truyền cho các cá nhân, tổ chức về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật, chất thải nhựa sau sử dụng. Hướng dẫn các địa phương có diện tích sản xuất trồng trọt tập trung xây dựng các khu lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kinh doanh buôn bán; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định. Xã hội hóa, nâng cao vai trò trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký, phân phối thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh trong việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt./.