DetailController

Kinh tế

Tích cực chuyển dịch chăn nuôi theo hướng bền vững

07/06/2022 00:00
Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 25/7/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là NQ 15) đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng chăn nuôi bình quân 6-7%/năm; đến năm 2020, tổng đàn trâu 110 nghìn con (cải tạo để nâng cao tầm vóc); đàn bò 80 nghìn con, đàn lợn 700 nghìn con, gia cầm 7 triệu con, dê 40 nghìn con; đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi. Tới nay sau 05 năm thực hiện, ngành chăn nuôi của tỉnh đã có những chuyển dịch tích cực, cơ bản đạt một số mục tiêu nghị quyết đặt ra.
Người dân đã tích cực đầu tư chuyển sang chăn nuôi các loại trâu, bò lai cho giá trị kinh tế cao

Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi đạt bình quân 6,7%, đạt mục tiêu Nghị quyết đã đề ra. Năm 2017 giá trị sản xuất theo giá so sánh đạt 1.561 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng chăn nuôi 28,4% trong ngành nông nghiệp. Đến năm 2021 giá trị sản xuất ngành chăn nuôi theo giá so sánh đạt 3.600 tỷ đồng, chiếm trên 30% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi: Hằng năm các địa phương, cơ quan chuyên môn xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin phòng cho gia súc, gia cầm; công tác kiểm soát dịch từ gốc thông qua kiểm dịch vận chuyển, áp dụng các biện pháp phòng chống, dịch bệnh tổng hợp được tăng cường. Công tác quản lý thuốc thú y, chế phẩm sinh học... dùng trong thú y bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả.

Nhìn chung, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 15, ngành chăn nuôi của tỉnh đã đạt được một số mục tiêu lớn về phát triển số lượng đàn trâu, bò, lợn, gia cầm; tầm vóc vật nuôi được cải thiện; đã phát triển vùng chăn nuôi tập trung đúng theo quy hoạch; công tác Bảo tồn và phát triển một số giống vật nuôi bản địa đã được quan tâm triển khai thực hiện. Trong giai đoạn qua, tổng đàn trâu duy trì phát triển ổn định, nâng cao tầm vóc, rút ngắn chu kỳ nuôi, người chăn nuôi đã chuyển mục đích nuôi cày kéo sang nuôi lấy thịt. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng năm 2016 là 3.328 tấn; đến năm 2021 đạt 3.812 tấn, tăng 14,54% so với trước khi thực hiện Nghị quyết. Tầm vóc đàn bò đã được cải tạo; tổng đàn bò, dê trong trang trại được tăng lên, một số doanh nghiệp đã đầu tư chăn nuôi tập trung và liên kết trồng cây thức ăn cho gia súc. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng năm 2016 là 2.666 tấn; đến năm 2021 đạt 3.110 tấn, tăng 16,65% so với trước khi thực hiện Nghị quyết. Số trang trại chăn nuôi bò năm 2016 có 02 trang trại, năm 2021 có 07 trang trại đạt tỷ lệ 350% so với trước khi thực hiện Nghị quyết. Tổng đàn bò xuất chuồng năm 2016 là 4.700 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 3.290 tấn; đến năm 2021 tổng đàn bò xuất chuồng năm là 21.232 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 14.862 tấn đạt 451,7% so với trước khi thực hiện Nghị quyết.

Tổng đàn lợn, gia cầm trong trang trại tăng lên; đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đã thực hiện bảo tồn và phát triển một số giống vật nuôi bản địa. Tổng số trang trại và tổng đàn lợn, gia cầm trong trang trại đến năm 2021 tăng mạnh so với trước khi triển khai Nghị quyết. Trên địa bàn tỉnh hiện có 41 trang trại chăn nuôi. Tới hết năm 2021 có 71 trang trại gia cầm; số con xuất chuồng và sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 278,4%, tổng số gia cầm giống và đẻ trứng, số gia cầm giống sản xuất/năm và sản lượng trứng đạt 178% so với trước khi thực hiện Nghị quyết. Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi được tăng lên. Năm 2016 có 04 nhà máy chế biến sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 655 nghìn tấn/năm; đến năm 2021 có 05 nhà máy chế biến sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 675 nghìn tấn/năm; có 225 cơ sở kinh doanh, buôn bán thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết đã cơ bản xóa bỏ được tập quán chăn nuôi dưới gầm nhà sàn, chăn nuôi thả rông gia súc trong rừng và chủ động xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Người chăn nuôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, đã xóa bỏ tập quán chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn. Đến năm 2021 hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường theo tiêu chí 17.7 có 100/119 xã được đánh giá đạt tiêu chí chiếm 74%;có 75.219 hộ/101.100 hộ chăn nuôi đạt tiêu chí về chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường chiếm tỷ lệ 74,4%.

Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 15, thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền cho người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ...sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; thông tin dự báo về thị trường để các tổ chức, cá nhân điều chỉnh kế hoạch sản xuất chăn nuôi, phù hợp. Rà soát, xác định các khu chăn nuôi tập trung công nghiệp phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hòa Bình, phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình nông thôn mới. Tích cực chuyển đổi diện tích đất hoa màu kém hiệu quả sang trồng thức ăn chăn nuôi cho gia súc. Đẩy mạnh các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi; Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác cải tạo giống vật nuôi bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và sử dụng con giống có năng suất, chất lượng cao để cho lai cải tạo đàn giống địa phương. Khuyến khích xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chăn nuôi bản địa, liên kết với các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân phát triển các cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình….