Tỉnh Hòa Bình là một trong 10 tỉnh trên phạm vi toàn quốc có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, với dân số toàn tỉnh 85,4 vạn người, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 74,43% dân số, gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Hòa Bình trải dài và bao phủ khắp các huyện, thành phố. Tuy nhiên, với điều kiện về địa hình, phân bố dân cư, truyền thóng lịch sử từ xa xưa, đồng bào dân tộc thiêu số của tỉnh chủ yếu sinh sống ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực có diện tích tự nhiên rất rộng nhưng bị chia cắt bởi núi đá, sông, suối, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Vì vậy, quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng chính là tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Kinh tế - xã hội cùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã có những tiến bộ vượt bậc. Đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi có điều kiện thuận lợi và được xác định là vùng động lực trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như Lương Sơn, Lạc Thủy, thành phố Hòa Bình có nhiều điều kiện tiếp cận thị trường, khoa học kỹ thuật, dịch vụ để phát triển kinh tế, tỉnh đã dồn lực để tập trung đầu tư và phát triển hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào thực sự được nâng lên. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả về phát triển toàn diện khu vực nông thôn và đã hình thành những đô thị mới trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, thành phố Hòa Bình đã hoàn thành nông thôn mới.
Các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 bao gồm Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều kết quả tích cực cho phát triển nông thôn. Bao gồm: Hoàn thiện các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn theo hướng đồng bộ, từng bước kết nối với đô thị; kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp – dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị; phát triển giao dục ở nông thôn; phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề; phát triển hệ thống chính trị và quốc phòng – an ninh.
Đến nay, đã có 56/129 xã khu vực nông thôn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền nùi của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới với tỷ lệ 43,41%; các xã còn lại bình quân đạt 15,15 tiêu chí/xã, đối với các xã đặc biệt khó khăn đạt 12,53 tiêu chí/xã; 100% các xã có điện lưới quốc gia; 76/129 xã có đường ô tô đến trung tâm xã theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông, trong đó có 24 xã đặc biệt khó khăn. Các chính sách, dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức triển khai, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tỷ lệ giảm hộ nghèo luôn đạt và vượt chỉ tiêu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh giao./.