DetailController

Thời sự trong ngày

Thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cầu hạ tầng và đô thị hoá nông thôn

11/02/2022 00:00
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, bộ mặt nông thôn của tỉnh từng bước được đổi mới, hạ tầng kinh tế - xã hội chuyển biến rõ rệt, đời sống của nông dân được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo; các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hoá tiếp tục được cải thiện. Trung bình mỗi năm có 5,34% số xã về đích nông thôn mới; có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 46 khu dân cư kiểu mẫu; 151 vườn mẫu, số xã về đích hàng năm đều vượt chỉ tiêu đề ra, trung bình số tiêu chí nông thôn mới trên 1 xã đạt 15,01 tiêu chí. Bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 15,4 tiêu chí/xã, toàn tỉnh không có xã dưới 10 tiêu chí nông thôn mới.
Toàn tỉnh đã xây mới và nâng cấp, sửa chữa được 901 công trình hạ tầng giao thông nông thôn

Đến nay, toàn tỉnh đã xây mới và nâng cấp, sửa chữa được 901 công trình hạ tầng giao thông nông thôn; xây mới, nâng cấp, sửa chữa nhựa hoá, bê tông hoá được 6.383 km đường giao thông nông thôn; xây mới, nâng cấp, cải tạo, bảo trì được 3.782 cầu, cống đường tràn trên các tuyến đường giao thông nông thôn. Thực hiện Đề án cứng hoá đường giao thông nông thôn, đã hỗ trợ 100% vật liệu bê tông hoá đường giao thông nông thôn tại các thôn đặc biệt khó khăn, các xã khu vực 3. Tiến hành nâng cấp, sửa chữa và đưa vào hoạt động nhiều công trình đầu mối, kiên cố hoá kênh mương. Có gần 500 công trình thuỷ lợi được đầu tư nâng cấp, hơn 250 km kênh mương được kiên cố, các hồ, đập, bai, kênh mương thường xuyên được duy tu bảo dưỡng. Toàn tỉnh đã có 1.900 công trình thuỷ lợi; 3.723 km kênh mương tưới các loại, đảm bảo tưới chủ động cho trên 53 nghìn ha cây hàng năm. Hệ thống công trình thuỷ lợi nội đồng được nâng cấp, chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ.

Hạ tầng thương mại ở nông thôn có bước phát triển; hệ thống chợ, cửa hàng bán lẻ… đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao thương hàng hoá và tiêu dùng của Nhân dân. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa được 67 công trình chợ nông thôn. Hệ thống điện nông thôn tiếp tục được nâng cấp và mở rộng, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện đạt 99,72%; hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành Điện đạt 100%. Cơ sở hạ tầng thông tin tiếp tục phát triển thuận lợi, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân. Mạng lưới hạ tầng viễn thông được phát triển mạnh, rộng khắp. Toàn tỉnh có 129/129 xã có điểm phục vụ bưu chính đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của các tổ chức, cá nhân tại địa phương; 129/129 xã có dịch vụ viễn thông, internet; 129/129 xã có đài truyền thanh xã và hệ thống loa truyền thanh đến thôn; 129/129 xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành.

Về đô thị hoá nông thôn, hiện nay, toàn tỉnh có 11 đô thị, trong đó thành phố Hoà Bình là đô thị loại III, thị trấn Lương Sơn và khu vực mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV. Tỉnh đang ưu tiên đầu tư nâng cấp thành phố Hoà Bình lên đô thị loại II và thị trấn Mai Châu (huyện Mai Châu) lên đô thị loại IV. Ngoài ra, để đạt chỉ tiêu đô thị hoá, tỉnh và các huyện, thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, kiện toàn kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, chỉ tiêu đô thị hoá toàn tỉnh đạt 38%, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như hoàn thành Quy hoạch tỉnh Hoà Bình đến năm 2050; triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng các huyện; lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng các đô thị đã được điều chỉnh mở rộng để làm cơ sở lập chương trình phát triển các đô thị thành phố Hoà Bình, Lương Sơn, Đà Bắc, Bo, Ba Hàng Đồi, Chi Nê, Vụ Bản, Mãn Đức, Phong Phú, Hàng Trạm./.