Năm 2020, các Sở, Ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung vào các nội dung chính là: Tuyên truyền các đạo luật mới được Quốc hội ban hành; các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 18/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thi hành các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp; thực hiện “Ngày Pháp luật” nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2020 trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL. Các Hội đồng cấp huyện đã rà soát, củng cố và kiện toàn thành viên Hội đồng cấp huyện theo đúng quy định. Các thành viên Hội đồng đã tích cực triển khai hoạt động PBGDPL thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực mình quản lý.
Hiện nay, toàn tỉnh đã công nhận 150 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 243 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 1.732 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật đã tham gia có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị và cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn trong tình hình mới.
Năm 2020, toàn tỉnh tổ chức được 2.734 cuộc (từ cấp tỉnh đến cấp xã) tuyên truyền về: Bộ Luật hình sự 2015, Bộ luật dân sự, Luật tiếp cận thông tin, Luật phòng, chống ma tuý, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật bảo vệ môi trường, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật khoáng sản, Luật đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật trẻ em, Luật hộ tịch, Luật giao thông đường bộ, Luật khiếu nại, tố cáo, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Du lịch, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật an ninh mạng, Luật bảo hiểm, Luật tín dụng, Luật thuế, Luật Quốc phòng năm 2018 … cho hơn 461.205 lượt người.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể: Sở Tư pháp đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện 36 Chuyên mục “Pháp luật và đời sống” trên sóng Phát thanh - Truyền hình tuyên truyền các Luật mới ban hành, các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và phản ánh hoạt động công tác tư pháp ở địa phương; thực hiện 24 chuyên mục “Pháp luật và đời sống” trên báo viết và báo điện tử của Báo Hòa Bình. Đăng tải các văn bản pháp luật mới, các chủ trương, chính sách pháp luật của Trung ương, của tỉnh trên trang điện tử của ngành với lượt truy cập trung bình hàng tháng hơn 15.000 lượt truy cập. Một số cơ quan đơn vị và 10/10 UBND các huyện thành phố cũng đã phát sóng trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Ngoài ra, còn phổ biến giáo dục pháp luật thông qua Bản tin của các ngành, đoàn thể; Tủ sách pháp luật; Câu lạc bộ pháp luật; thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và công tác hòa giải ở cơ sở. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã kiện toàn và duy trì 1.470 tổ hòa giải với 9.883 Hòa giải viên. Các tổ hòa giải đã tham gia hòa giải 100% việc phát sinh. Trong năm 2020, tỷ lệ hoà giải thành là 525/632 vụ việc tham gia hoà giải, đạt tỷ lệ 83%, trong đó một số đơn vị có tỷ lệ hoà giải thành cao như: Thành phố Hòa Bình, Cao Phong, Lạc Thủy, Lương Sơn,…
Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáp dục pháp luật còn được triển khai thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, truy tố, bào chữa thi hành án và giải quyết khiếu nại tố cáo và qua thực hiện “Ngày Pháp luật” năm 2020…/.