DetailController

Khoa học - Môi trường

Thực hiện Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật góp phần kiểm soát được an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường

24/04/2024 15:44
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn xem việc thực hiện thi hành Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật được xem là nhiệm vụ quan trọng của Ngành nông nghiệp để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống và bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.
100% các hộ sản xuất kinh doanh ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV.

Ngay sau khi Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật được Quốc hội khóa 13 thông qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu và triển khai thi hành Luật. Theo đó trong năm 2014-2015 đã tổ chức 2 hội nghị cấp tỉnh, 10 hội nghị cấp huyện để phổ biến, giới thiệu Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật tới đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các đơn vị liên quan với trên 1.200 người tham gia. Các cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể lồng ghép nội dung giới thiệu Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật trong nội dung các buổi họp và học tập, sinh hoạt chuyên đề. Ngoài việc tổ chức các hội nghị chuyên đề, các hoạt động thông tin tuyên truyền được đăng tải, cập nhật thường xuyên trên các website chuyên ngành. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành phố cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, phổ biến Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đến nay, toàn tỉnh tổ chức được khoảng 11.435 cuộc tuyên truyền, có lồng ghép nội dung Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người tham gia hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật được triển khai thường xuyên, hiệu quả. Từ năm 2015 cho đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức mở 1 lớp đào tạo giảng viên (TOT); mở 12 lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã và nông dân; phối hợp tổ chức 22 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn. Cử 9 cán bộ tham gia lớp đào tạo giảng viên TOT- IPM, TOT-IPHM trên cây lúa do Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tổ chức. Tổ chức mở được 9 lớp bồi dưỡng chuyên môn về thuốc BVTV; 22 lớp bồi dưỡng chuyên môn về phân bón cho hơn 1.000 lượt người có nhu cầu kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV, phân bón.

UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo về công tác phòng, chống sinh vật gây hại thực vật. Duy trì có 159 tổ dịch vụ BVTV tại 142 xã, phường, thị trấn với 965 thành viên tham gia góp vốn, hoạt động. Đến nay, trên địa bàn có khoảng 68 tổ dịch vụ BVTV được xác nhận đủ điều kiện hoạt động. Các tổ dịch vụ liên kết với các doanh nghiệp đứng ra cung ứng vật tư phân bón, thuốc BVTV, giống cho người dân mang lại hiệu quả kinh tế cho tổ và nhiều lợi ích khác về xã hội và môi trường; công tác quản lý Nhà nước cũng được triển khai thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về BVTV. Hiện trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhân rộng sử dụng các giống lúa có khả năng kháng bệnh tốt được chọn tạo bằng phương pháp lai backcross như BC15 kháng đạo ôn, TBR225 kháng bạc lá vào sản xuất đại trà tại địa phương với quy mô diện tích gieo trồng áp dụng trên 10.000 ha. Nhiều chế phẩm thuốc BVTV sinh học qua quá trình nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi như: NPV, V-Bt, Tricodecma... để trừ sâu bệnh hại trong sản xuất trồng trọt. Việc ứng dụng sản phẩm tạo ra từ công nghệ Nano (Nano Đồng, nano Bạc, nano Chitosan) nhằm phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng đã được nhân rộng tại nhiều địa phương. Đến nay, diện tích áp dụng trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.000 ha/năm. Công nghệ nuôi cấy mô vi ghép đỉnh sinh trưởng tạo cây có múi sạch bệnh và nhân giống được ứng dụng trong nhà lưới. Qua đó phục vụ nhu cầu sản xuất giống thực hiện Đề án tái canh cay có múi tỉnh…Một số mô hình sản xuất trong nhà màng ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ cao tiêu biểu của tỉnh như: Công ty TNHH SkyFarm (Lương Sơn) quy mô 0,8 ha sản xuất cà chua; Công ty CP đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh (Lạc Thủy) quy mô 1,1 ha sản xuất dưa lưới, dưa chuột; Công ty CP nông trại hữu cơ Việt Nam (Lạc Thủy) quy mô 1,0 ha sản xuất dưa vàng, dưa chuột.

Công tác quản lý thuốc BVTV được tăng cường. Cơ quan chức năng tổ chức ký cam kết đối với 100% cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới cho các tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc BVTV. Hiện nay, toàn tỉnh có 1 cơ sở sang chai đóng gói thuốc BVTV, 260 cửa hàng đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV theo quy định pháp luật. 

Hoạt động thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thực hiện theo quy định về quản lý chất thải nguy hại của pháp luật về bảo vệ môi trường. Toàn tỉnh đang duy trì 1.653 bể chứa bao gói thuốc BVTV. Các bể chứa hầu hết ở các khu vực sản xuất trồng trọt tập trung, gần trục giao thông nội đồng và thuận tiện cho người dân thu gom sau khi sử dụng thuốc.Số lượng bao gói thuốc BVTV được thu gom khoảng 8.200kg.

Việc triển khai, thi hành tốt Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật đã giúp cho các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố làm tốt công tác dự báo, phòng chống sinh vật gây hại. Các ổ dịch bệnh đã kịp thời xử lý và ko để xảy ra diện rộng. Qua đó đảm bảo an toàn về sâu bệnh, đảm bảo an ninh lương thực./.