DetailController

Kinh tế

Thực hiện hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công

22/09/2022 00:00
Trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, kinh tế của tỉnh Hoà Bình có tốc độ tăng trưởng khá, GRDP bình quân đầu người của tỉnh cao hơn bình quân chung của khu vực miền núi phía Bắc và bằng khoảng 75% GDP bình quân đầu người của cả nước. Cơ cấu GRDP chuyển dịch tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng cao; các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, sản phẩm công nghệ cao và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao tiếp tục phát triển; diện tích trồng cây lương thực duy trì ổn định, diện tích trồng cây ăn quả được mở rộng.
Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, góp phần tích cực vào nguồn thu ngân sách nhà nước của tỉnh

Thực hiện Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 19/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các ngành, các cấp quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, ngay từ khâu xây dựng dự toán, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị yêu cầu việc xây dựng dự toán phải phù hợp với các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững, hiệu quả, tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên một cách hợp lý. Yêu cầu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên theo mức độ quan trọng, cấp thiết và khả năng thực hiện. Việc lập dự toán chi ngân sách phải đúng với các quy định của pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách để hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn ngân sách Nhà nước được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác; chỉ thực hiện ban hành các chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và cân đối được nguồn.

Cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm dần chi thường xuyên, cơ cấu lại các lĩnh vực chi thường xuyên phù hợp với tình hình thức hiện nhiệm vụ mới, gắn với việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí; đẩy nhanh tiến độ triển khai tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công, giảm mức hỗ trợ đối với người nghèo, đối tượng chính sách; khuyến khích xã hội hoá, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế - xã hội. Cả tỉnh có 2 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 36 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên; 54 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 01 đơn vị sự nghiệp đã được đổi thành Công ty cổ phần. Việc triển khai cơ chế tự chủ đã giúp cho các cơ quan, đơn vị chủ động trong việc sử dụng biên chế và kinh phí, khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, đa dạng hoá hoạt động sự nghiệp, từ đó khai thác và mở rộng các nguồn thu sự nghiệp, nâng cao hiệu suất lao động và tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, đăng ký kinh doanh nghiệp. Thời gian cấp mã số cho doanh nghiệp thành lập mới bình quân từ 2 ngày làm việc trở xuống, có nhiều hồ sơ thực hiện trả kết quả trong ngày. Thời gian giải quyết thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư còn khoảng 30 ngày; thẩm định nhu cầu sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phê duyệt quy hoạch và cấp giấy phép xây dựng đối với các dự án đầu tư chỉ bằng ¾ so với quy định, tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; thủ tục thông quan xuất, nhập khẩu hàng hoá đối với xuất khẩu không quá 14 ngày, nhập khẩu khong quá 13 ngày; thời gian tiếp cận điện năng dưới 33 ngày. Cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, duy trì công tác kê khai, nộp thuế điện tử đạt 100% đối tượng nộp thuế. Giảm thời gian thanh tra thuế còn bình quân 8 ngày tương đương với 64 giờ/đơn vị, thời gian kiểm tra thuế là 4,5 ngày tương đương 36 giờ/đơn vị./.