DetailController

Quốc phòng - An ninh

Thực hiện công tác phòng, chống ma túy; phòng, chống tệ nạn mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2024 trên địa bàn huyện Mai Châu

20/05/2024 15:15
Với mục đích huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai, thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện ma túy, tạo nên phong trào sâu rộng trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện. Tăng cường quản lý địa bàn, không để tệ nạn ma túy, mại dâm gây bức xúc trong xã hội. Phối hợp với chính quyền, đoàn thể tại các địa phương tuyên truyền về tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm và các biện pháp phòng ngừa, trợ giúp làm giảm tổn thương, phòng và chống lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người; làm tốt công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Ngày 17/5/2024, UBND huyện Mai Châu ban hành Kế hoạch số 1677/KH-CVT về thực hiện công tác phòng, chống ma túy; phòng, chống tệ nạn mại dâm; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2024 trên địa bàn huyện Mai Châu.

Chỉ tiêu cai nghiện ma túy: Phấn đấu trên 80% xã, phường, thị trấn được tuyên truyền về phòng chống ma túy nói chung và cai nghiện ma túy nói riêng; đa dạng hóa các hình thức điều trị cai nghiện ma túy theo định hướng của Chính phủ: cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; cai tự nguyện, cai bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone... Phấn đấu 100% người nghiện ma túy trong danh sách quản lý tại cộng đồng được điều trị, cai nghiện bằng các hình thức phù hợp. Quản lý và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện: 100% người hoàn thành chương trình cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện của tỉnh được chính quyền cấp xã quản lý, tư vấn, giám sát, hỗ trợ, giúp đỡ bằng các hình thức phù hợp. Huy động nguồn lực để hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện tại cộng đồng. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; 100% cán bộ làm công tác quản lý, trực tiếp làm công tác quản lý sau cai nghiện ma túy tại xã, thị trấn được tập huấn, đào tạo cơ bản và nâng cao về kỹ năng, nghiệp vụ.

Phòng, chống tệ nạn mại dâm: Tiếp tục triển khai Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 224/KH-UBND ngày 29/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về triển khai Chương trình phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025. Tổ chức hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội tại cơ sở xã, thị trấn; học sinh các trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện. Thực hiện lồng ghép hoạt động phòng chống mại dâm với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ hội tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp như đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ, trẻ em, các hộ gia đình nghèo nhằm phòng ngừa các nguy cơ liên quan đến mại dâm. Xây dựng và tổ chức các hoạt động kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn huyện theo quy định. Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (gọi tắt là Đội kiểm tra liên ngành 178) cấp huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, tổ chức ít nhất 05 lượt, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm như: Khách sạn, nhà hàng, quán karaoke,... Xây dựng kế hoạch, tổ chức điều tra rà soát người hoạt động mại dâm; phụ nữ bỏ đi làm ăn xa không rõ lý do, địa chỉ; các điểm, tụ điểm hoạt động mại dâm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm trên địa bàn huyện.

Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng: Tổ chức truyền thông lồng ghép tại các xã, thị trấn, các trường học; treo băng zôn hưởng ứng Ngày phòng, chống mua bán người và Ngày thế giới phòng, chống mua bán người (30/7). Tổ chức tiếp nhận, xác minh, xác định, thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân của nạn nhân bị mua bán và bí mật thông tin; hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Giải pháp thực hiện: Chủ động nghiên cứu cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, vận dụng sáng tạo vào tình hình cụ thể của địa phương để trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách cho công tác phòng chống tệ nạn xã hội, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai, thực hiện công tác cai nghiện ma túy; phòng chống tệ nạn mại dâm; hỗ trợ nạn nhân mua bán người. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên hiểu biết tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm nhất là một số loại ma túy mới. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện trong việc quản lý người nghiện ma túy, tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú và thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân huyện giao trong công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy.

Tổ chức thực hiện hiệu quả biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy có đủ điều kiện áp dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến việc sử dụng trái phép chất ma túy gây ra. Thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện, khuyến khích người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy tự giác khai báo tình trạng nghiện ma túy, tự nguyện đăng ký các hình thức cai nghiện ma túy phù hợp. Huy động các nguồn lực hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; lồng ghép công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy với các chương trình giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm,... Tăng cường, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác kiểm tra của Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp. Thường xuyên kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm các cấp theo Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ; xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại các địa bàn dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Thực hiện công tác hậu kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định, khắc phục thiếu sót tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã kiểm tra hoặc đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, văn bản của nhà nước về phòng chống và kiểm soát ma túy, phòng chống tệ nạn mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai,... với nhiều nội dung phong phú, hình thức phù hợp như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ... tại địa bàn dân cư vùng sâu, vùng xa, đến các tầng lớp nhân dân những người có nguy cơ cao, người nghiện ma túy ở cộng đồng, học sinh, học viên trong các trường học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động trong các doanh nghiệp. Phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trong công tác vận động người nghiện tự nguyện đi cai nghiện, giúp đỡ quản lý người sau cai nghiện ma túy, giảm tỷ lệ tái nghiện./.