DetailController

Chỉ đạo điều hành

Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về điều hành dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024

17/09/2024 17:09
Ngày 13/9, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 1613/UBND-KTTH gửi Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về việc thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về điều hành dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.

Thực hiện Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 02/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành dự toán ngân sách nhà nước, ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 5086-CV/VPTU ngày 04/9/2024 của Văn phòng Tỉnh ủy về thực hiện Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 02/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiên cứu, thực hiện nội dung Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 02/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành dự toán ngân sách nhà nước, tham mưu triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình một cách hiệu quả các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, chú trọng vào các nội dung:

Các cơ quan được giao nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành vượt 10% so với dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024 theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 08/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 605-CV/TU ngày 02/7/2024 của Tỉnh ủy về tăng cường thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, các Chương trình Mục tiêu quốc gia; kịp thời đề nghị, tham mưu điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.

Mua sắm tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo tiết kiệm. Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng đúng quy định; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; không để lãng phí thất thoát tài sản công.

Ngân sách cấp huyện, cấp xã thực hiện chi ngân sách theo dự toán được giao và khả năng thu theo phân cấp; chủ động sử dụng dự phòng, kết dư ngân sách và các nguồn lực hợp pháp của địa phương để xử lý các nhiệm vụ chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi đột xuất, cấp bách phát sinh theo quy định. Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh dự toán chi theo quy định; chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, đặc biệt là các khoản chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác.

Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương không đạt dự toán, Ủy ban nhân dân xây dựng phương án báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp giải pháp xử lý để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương như sau: chủ động giữ lại 50% dự toán dự phòng ngân sách địa phương; cân đối các nguồn lực tại chỗ để chủ động bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương (tăng thu năm trước chưa phân bổ, kết dư ngân sách). Sau khi sử dụng các nguồn lực của địa phương mà vẫn không đảm bảo bù đắp số giảm thu, thì phải rà soát, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi, trong đó cần chủ động cơ cấu lại chi đầu tư phát triển, nhất là trường hợp nguồn thu tiền sử dụng đất biến động lớn.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung huy động nguồn lực để khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra với tinh thần là không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh. Ngoài nguồn lực của Nhà nước, tăng cường công tác huy động nguồn lực xã hội hóa với tinh thần “có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, có của góp của, có công góp công, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Trường hợp, địa phương bị thiệt hại quá lớn, nhu cầu khắc phục vượt quá khả năng của địa phương, kịp thời có văn bản gửi cấp trên xem xét, hỗ trợ.

Đối với xây dựng dự toán ngân sách năm 2025, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, trong tổ chức thực hiện, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp rà soát, cơ cấu, sắp xếp các nhiệm vụ chi, phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm của dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 (sau khi loại trừ các khoản chi tương tự như năm 2024 đã được quy định tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 07/8/2024 của Chính phủ) để dành nguồn giảm bội chi đối với ngân sách cấp tỉnh hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của từng cơ quan, đơn vị, bổ sung tăng thêm nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.