DetailController

Chỉ đạo điều hành

Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Hòa Bình năm 2024

22/04/2024 15:54
Ngày 19/4/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND về thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản. Tổ chức thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 đã được thông qua tại Nghị Quyết số 318/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XVII.

Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu hết năm 2024, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 2,3-2,5% từ 9,2% cuối năm 2023 xuống còn 6,96,7%; tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi. Đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn; Phát huy những kết quả đã đạt được; Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo năm 2024 Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sau: Tiếp tục hướng dẫn thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện có hiệu quả các Dự án thành phần của CTMTQG giảm nghèo bền vững năm 2024; triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc đúng quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 phản ánh đúng thực trạng đời sống kinh tế xã hội của địa phương. Thực hiện rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo chính xác, công bằng, không bỏ sót đối tượng. Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, vận động Nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả. Tiếp tục hưởng ứng Phong trào thi đua “ Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tiếp tục vận động các nguồn lực từ xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo như các hình thức hỗ trợ từ Quỹ "Ngày vì người nghèo" và công tác an sinh xã hội. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tại địa phương, cơ sở; phát hiện và xử lý nghiêm các biểu hiện, vụ việc vi phạm, lợi dụng chính sách, nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo; biểu dương kịp thời các gương điển hình, các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung (Tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo; hỗ trợ về giáo dục; hỗ trợ về y tế; hỗ trợ nhà ở; hỗ trợ về nước sạch và vệ sinh; hỗ trợ tiếp cận thông tin).

Tổng nguồn vốn thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 là 671.041 triệu đồng trong đó: Vốn đầu tư là 120.839 triệu đồng, Vốn sự nghiệp là 198.202 triệu đồng, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là khoảng 350.000 triệu đồng, vốn huy động khác 2.000 triệu đồng.

UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai hướng dẫn thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, hướng dẫn thực hiện các Dự án thành phần của CTMTQG giảm nghèo bền vững được phân công phụ trách. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương triển khai các nội dung của Kế hoạch này. Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ vốn đầu tư phát triển, ngân sách trung ương thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững. Căn cứ khả năng ngân sách tham mưu báo cáo UBND tỉnh cân đối, bổ sung vốn đối ứng thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2022, 2023,2024 để thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Sở Xây dựng tổng hợp, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt dự toán chi tiết kinh phí sự nghiệp thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 để các sở, ngành, đơn vị địa phương triển khai thực hiện. Căn cứ khả năng ngân sách, tham mưu báo cáo UBND tỉnh cân đối, bố trí vốn đối ứng nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững. Hướng dẫn các đơn vị sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng chế độ, đúng đối tượng và thanh quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  chủ trì, hướng dẫn triển khai thực hiện Tiểu dự án 1- Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững cho các địa phương, đơn vị.

NHCSXH tỉnh chủ động rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và triển khai cho vay kịp thời nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng theo quy định. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đảm bảo các thành viên của hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu xuất khẩu lao động, đủ điều kiện đều được vay vốn tại NHCSXH. Đề xuất các cá nhân, tổ chức quản lý, sử dụng tốt nguồn vốn vay ưu đãi có hiệu quả, góp phần giúp các hộ thoát nghèo, tạo việc làm mang tính điển hình, cần tuyền truyền, phổ biến và nhân rộng gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông để thực hiện công tác tuyên truyền.

Đề nghị UB MTQVN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh và Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức Chính trị - xã hội tỉnh trong việc vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân  hưởng ứng, tham gia Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và các chương trình hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, hiệu quả; tuyên truyền, vận động nhân dân phối hợp tham gia xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả; xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; lồng ghép các Chương trình mục tiêu với hoạt động của đơn vị mình nhằm tạo sức mạnh tổng hợp cho kế hoạch giảm nghèo bền vững. Tham gia giám sát, kiểm tra đánh giá việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; đảm bảo nguyên tắc công bằng, dân chủ, công khai từ cơ sở, khu dân cư. Giám sát các hoạt động thực hiện các chính sách, dự án về giảm nghèo.

UBND cấp huyện xây dựng Kế hoạch giảm nghèo cấp huyện; chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng Kế hoạch giảm nghèo năm 2024.Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn. Ban hành Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 khi có Kế hoạch của UBND tỉnh. Chủ động huy động, lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn để thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Cân đối, bổ sung vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện, hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo theo quy định. Vận động huy động các nguồn lực tự nhiên của địa phương, nguồn lực con người từ cộng đồng, người dân, bằng nhiều hình thức như: Ủng hộ ngày công lao động, vốn, kinh nghiệm sản xuất...giúp đỡ người nghèo khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo; sử dụng khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương phục vụ cho công tác giảm nghèo. Tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện đối với cấp xã. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành cấp tỉnh trong việc triển khai, thực hiện. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo được giao năm 2024 của địa phương.

Thời gian 6 tháng và cả năm các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh được giao phụ trách tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công, phụ trách tại địa phương, trên cơ sở đó tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, xây dựng kế hoạch công tác năm 2024./.