DetailController

Tin từ các đơn vị

Thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

20/01/2021 00:00
Hiện nay, sự chủ động của các công ty, siêu thị, trung tâm thương mại… trên địa bàn tỉnh về nguồn hàng hóa phục vụ Tết cùng các giải pháp để bình ổn giá góp phần ổn định thị trường, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ giúp người tiêu dùng có một Tết cổ truyền an toàn, tiết kiệm, vui tươi.
Tại siêu thị Vinmart, Trung tâm thương mại Vincom Plaza thành phố Hòa Bình, các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán được bày bán đa dạng, với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn

Để bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương đã ban hành Văn bản số 1710, 1711/SCT-QLTM ngày 11/11/2020 chỉ đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhằm tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, kích cầu người tiêu dùng. Phối hợp lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường về giá, chất lượng sản phẩm, thực hiện quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, đưa tin thất thiệt về cung cầu giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Đồng thời, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không tham gia, tiếp tay cho việc tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người sản xuất, tiêu dùng, góp phần bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại có kế hoạch dự trữ hàng hóa, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ tốt nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán; khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa tới vùng sâu, vùng xa, chủ động tham gia chương trình bình ổn thị trường, cam kết đảm bảo bán hàng bình ổn trong dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thời gian thực hiện từ ngày 25/12/2020 - 25/2/2021. Các mặt hàng bình ổn gồm 9 nhóm mặt hàng: Lương thực (các loại gạo, mì tôm…); thực phẩm (tươi sống, đông lạnh, công nghệ, chế biến…); các loại dầu ăn; nước chấm; bột ngọt; sữa; rượu (trừ rượu ngoại); bia; nước giải khát. Nguồn hàng dự trữ được kiểm tra chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đến nay, đã có 4 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn, gồm: Công ty cổ phần thương mại Định Nhuận, Công ty trách nhiệm hữu hạn Anh Phong, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại TH Vincommerce chi nhánh Hòa Bình, Công ty cổ phần đầu tư Sơn Anh. Số điểm bán hàng thực hiện chương trình là 11 điểm (tăng 7 điểm so với năm ngoái). Số tiền doanh nghiệp tự bình ổn gần 40,3 tỷ đồng (tăng 11,85% so với năm trước).

Sở Công Thương phối hợp các sở, ngành, địa phương trong, ngoài tỉnh tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, xa. Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung cho thị trường; đảm bảo chất lượng; phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ Công ty Điện lực Hòa Bình trong việc đảm bảo cung ứng điện, trong đó lưu ý phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Tại các chợ truyền thống tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát về việc chấp hành quy định pháp luật về giá, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Cùng với các giải pháp bình ổn giá, Sở Công Thương tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thông tin đầy đủ, kịp thời về giá cả, các chính sách bình ổn thị trường, quản lý an toàn thực phẩm cho người dân; tuyên truyền cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tuyên truyền về việc khuyến khích người dân sử dụng xăng sinh học, kiểm soát thông tin sai lệch có thể gây bất ổn thị trường./.