Tại hội nghị, đồng chí Bùi Đức Nam, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, việc triển khai ký số trong giải quyết thủ tục hành chính làm thay đổi căn bản phương thức làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước, tăng hiệu quả làm việc, quản lý, tăng tính minh bạch trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính. Thông qua việc triển khai ký số đã giúp cán bộ xử lý hồ sơ nhanh chóng, chính xác và kịp thời, đồng thời nâng cao tính an toàn, an ninh thông tin khi hồ sơ được xử lý khép kín trên môi trường điện tử. Bên cạnh đó, việc số hóa, bóc tách dữ liệu bảo đảm được lưu trữ đầy đủ, từng bước xây dựng, hoàn thiện giải pháp tích hợp, chia sẻ, kết nối liên thông trên hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu Một cửa điện tử tỉnh tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành hướng tới hình thành cơ sở dữ liệu “đủ, đúng, sạch, sống”.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, hướng tới Kỷ niệm ngày Chuyển đổi số cũng như hoàn thành chỉ tiêu về kinh tế số và xã hội số, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Viễn thông Hòa Bình nghiên cứu, xây dựng ứng dụng Công dân số Hòa Bình chạy trên các nền tảng thiết bị di động thông minh. Sau một thời gian tích cực thực hiện, đến nay ứng dụng Công dân số Hòa Bình đã cơ bản hoàn thiện nhằm mục đích hỗ trợ và hình thành một kênh tương tác chính thống giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp trên môi trường số; góp phần tăng cường tính minh bạch, hiện đại hóa nền hành chính, giúp cơ quan Nhà nước thực hiện tốt và hiệu quả hơn nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước trên các lĩnh vực; nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp và kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Ứng dụng Công dân số Hòa Bình là nền tảng Công dân số đầu tiên dành riêng cho tỉnh Hòa Bình, cũng chính là bước đi chiến lược trên con đường xây dựng và phát triển trụ cột xã hội số của tỉnh, với mục tiêu tạo ra không gian số an toàn, thuận tiện giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh.
Chữ ký số đóng vai trò quan trọng trong việc xác nhận, đảm bảo về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia ký kết văn bản hay giao dịch điện tử. Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, góp phần quan trọng vào xây dựng công dân số, tạo nền tảng cho một xã hội số bền vững, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng cung cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số theo mô hình ký số từ xa cho 10 nhà cung cấp dịch vụ. Phương thức ký số từ xa hoặc ký số trên thiết bị di động sử dụng được trên nhiều thiết bị như: Điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay, đang là giải pháp ký số cá nhân phù hợp nhất để tích hợp vào các nền tảng thanh toán hoặc các ứng dụng trong giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân… Tuy nhiên, theo thống kê tính đến hết năm 2022, hiện toàn tỉnh Hòa Bình có tổng số 7.782 chứng thư số công cộng, đạt tỉ lệ 0,9% chứng thư số, xếp hạng thứ 33 toàn quốc.
Đồng chí Bùi Đức Nam, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo triển khai cung cấp chữ ký số miễn phí cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo đúng cam kết với tỉnh Hòa Bình. Bố trí nhân lực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn cung cấp chữ ký số miễn phí và hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho người dân.
Nhân dịp này, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan cũng đã ký kết về việc phối hợp triển khai thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn tỉnh và nhấn nút ra mắt Ứng dụng Công dân số Hòa Bình./.
Đồng chí Bùi Đức Nam, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng ký kết phối hợp triển khai thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình