Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lên phương án và kế hoạch tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình trong tình hình dịch Covid-19. Cụ thể, đưa ra 3 phương án tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình trong tình hình dịch Covid-19 nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người nông dân tiêu thụ nông sản của tỉnh, quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm tại thành phố Hà Nội, các địa phương trên cả nước, tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Phương án 1 khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nông sản được tiêu thụ thuận lợi. Phương án 2 khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát. Phương án 3 khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng nông sản chủ yếu tiêu thụ nội địa.
Về phương thức triển khai thực hiện, đối với công tác thu hoạch, thu mua nông sản tập trung thu hoạch nhanh gọn sản phẩm nông sản khi đến thời kỳ thu hái, đủ độ chín để tiêu thụ khi thị trường thuận lợi, giá bán cáo; khuyến cáo các địa phương điều tiết sản lượng thu hoạch để tiêu thị cho hợp lý. Thiết lập các điểm chốt, kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa tại các điểm tiếp giáp giữa các tỉnh với tỉnh Hòa Bình để phục vụ phun, khử khuẩn cho các xe chở hàng đi tiêu thụ tại các địa phương trong nước và đi đến các cửa khẩu xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ người, hàng hóa và phương tiện ra vào giữa các địa phương trong và ngoài vùng. Tăng cường các hoạt động trao đổi, làm việc với các đối tác thiêu thụ lớn như hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối, Trung tâm thương mại Vincom.
Bên cạnh đó, xây dựng phương án truyền thông, có thông điện rõ ràng trong công tác tuyên truyền trên các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh về cách làm, giải pháp và các phương án, các kênh tiêu thụ và người dân trong cả nước biết. Chuẩn bị chu đáo địa điểm (trang trại, hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, các mô hình sản xuất tiêu biểu…) để phục vụ các hoạt động thăm quan, khảo sát, tìm hiểu vùng sản xuất để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thu mua sản phẩm nông sản của tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh lâu dài tại tỉnh, nhất là các doanh nghiệp tham gia liên kết, sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản của tỉnh; cam kết hỗ trợ các hợp tác xã, đơn vị sản xuất hoàn thiện hơn nữa quy trình sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng nông sản, cung cấp những sản phẩm tốt, an toàn tới người tiêu dùng./.