DetailController

Kinh tế

Thúc đẩy thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt

13/05/2022 00:00
Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 đã nêu rõ 07 nhiệm vụ và giải pháp nâng cao năng lực cạnh quốc gia, trong đó có việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, Công ty Điện lực Hòa Bình đã bước đầu triển khai trên địa bàn tỉnh, nhằm từng bước thay đổi thói quen của người dân, hướng tới mục tiêu không sử dụng tiền mặt trong thanh toán tiền điện.
Hướng dẫn người dân hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt

Hiện nay, tổng số khách hàng mua điện trực tiếp của Công ty điện lực Hòa Bình là hơn 263.000 khách hàng,  tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại Công ty đạt 58,56% với khoảng trên 151 nghìn khách hàng. Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ chỉ đạo thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, Công ty Điện lực Hòa Bình đã và đang triển khai, áp dụng rất đa dạng các hình thức thanh toán, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng trong việc thanh toán tiện điện, cũng như phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc thanh toán không dùng tiền mặt như: Trích nợ tự động, SMS & Mobile Banking, Internet Banking, Ví điện tử, thanh toán trực tuyến cấp độ 4 qua web chăm sóc khách hàng, cổng dịch vụ công Quốc gia... Qua đó khách hàng có thể thanh toán tiền điện một cách thuận lợi, nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi.

Bên cạnh đó, PC Hòa Bình còn tiến hành nhiều đợt quảng bá về các tiện ích thanh toán tiền điện qua ngân hàng tới khách hàng dưới nhiều hình thức, như: Treo băng zôn; Tuyên truyền; Đăng thông tin trên website và trên mạng xã hội Zalo…; Vận động trực tiếp khách hàng khi đến giao dịch. Đặc biệt, CBCNV-LĐ trong Công ty đã đi đến nhiều khu phố, nhà dân để phát tờ rơi, tuyên truyền, giúp khách hàng làm thủ tục đăng ký và vận động các hộ gia đình, tổ chức, cơ quan đoàn thể thực hiện.

Trong thời gian qua, Công ty Điện lực Hòa Bình cũng đã không ngừng mở rộng triển khai hợp tác với các Ngân hàng, Tổ chức trung gian thanh toán, cải tiến dịch vụ thu tiền điện qua các kênh thanh toán trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện, mọi lúc mọi nơi. Đến nay, Công ty Điện lực Hòa Bình phối hợp với 6 Ngân hàng và 8 tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ ví điện tử để triển khai cung cấp phương thức thanh toán điện tử đến khách hàng dùng điện. Đến ngày 31/12/2021 thực hiện thu không dùng tiền mặt được 140.097 hóa đơn, đạt tỷ lệ 54,68% tổng số hóa đơn thu được.

Hiện nay Công ty Điện lực Hòa Bình đã thực hiện việc cấp điện theo phương thức điện tử đối với 100% khách hàng phát sinh mới; Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của khách hàng trực tuyến, đảm bảo 100% dịch vụ điện cung cấp trực tuyến cấp độ 4; 100% hóa đơn điện tử cung cấp qua App CSKH, Web CSKH; các hồ sơ hợp đồng (cả cũ và mới) đã chuyển đổi số, khách hàng có thể tra cứu được trên Web, App CSKH.

Bằng cách sử dụng dịch vụ thanh toán qua các ngân hàng và tổ chức trung gian, khách hàng không tốn chi phí khác mà vẫn chủ động thanh toán mọi lúc, mọi nơi một cách an toàn, chính xác. Điều này phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, nhất là cán bộ, công nhân viên, doanh nghiệp bận rộn và thường không có thời gian đóng tiền điện vào khung giờ hành chính.

Tuy nhiên, Hòa Bình là tỉnh miền núi, có địa hình phức tạp, số lượng khách hàng sử dụng điện tại khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh gấp 05 lần số lượng khách hàng khu vực thành phố, thị trấn. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch triển khai chương trình “Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt” đến các hộ dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Như vậy, việc thanh toán không dùng tiền mặt là một chủ trương lớn của Chính phủ, theo hướng tăng tính tiện ích cho khách hàng. Đây là phương thức thanh toán hiện đại, giúp ngành điện tối ưu hóa nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sự minh bạch và chống thất thu thuế cho Nhà nước.

Thời gian tới, để tăng tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn chủ trương của Chính phủ về lợi ích của việ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt để toàn thể khách hàng hiểu và sử dụng. Đồng thời, tiếp tục mở rộng hợp tác với các ngân hàng, đối tác trung gian thu hộ tiền điện, triển khai đến xóm, xã vùng sâu, vùng xa; mở rộng hợp tác với các nhà mạng để triển khai dịch vụ Mobile Money nhằm tăng tỷ lệ khách hàng lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.../.