DetailController

Thời sự trong ngày

Thúc đẩy phát triển ngành nghề khu vực nông thôn

13/10/2021 00:00
Với 20 làng hiện có nghề. Trong đó, có 11 làng nghề truyền thống được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận và 2 làng nghề trong nhóm ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Bằng những chính sách khuyến kích, hỗ trợ cụ thể từ tỉnh; sự tìm tòi, sáng tạo của hộ sản xuất, đến nay, nhiều cơ sở nghề vùng nông thôn đã mở rộng quy mô, tăng năng suất và chất lượng, sản phẩm đang dần đáp ứng thị yếu của người tiêu dùng.
Các cơ sở sản xuất khu vực nông thôn đã giải quyết việc làm cho trên 35 nghìn người, tạo ra doanh thu khoảng 6,7 nghìn tỷ đồng/năm.

Ngành nghề nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển theo 3 hình thức, gồm cá thể sản xuất tiểu thủ công nghiệp; hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp tư nhân. Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn rất đa dạng với trên 30 loại sản phẩm khác nhau. Chủ yếu sử dụng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương nên đã khai thác được nguồn tài nguyên của tỉnh phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội. Ngoài những sản phẩm truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu rượu, làm rượu cần, đan lát hàng mây tre đan, còn có sản phẩm khác như: chổi chít, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí nhỏ, chế tác đá cảnh, đồ gỗ, đồ gốm sứ,… Tổng số lao động ngành nghề nông thôn là trên 35 nghìn người, tạo ra doanh thu khoảng 6,7 nghìn tỷ đồng/năm. Ngành nghề nông thôn góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động ở các vùng nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2011, thu nhập ở khu vực nông thôn là từ 1-2 triệu đồng/người/tháng; đến năm 2020, thu nhập ở đây đã đạt 2-4 triệu đồng/người/tháng.

Bên canh sự cố gắng vươn lên của các hộ sản xuất thủ công nghiệp, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã kịp thời hỗ trợ làng nghề được công nhận với kinh phí 50 triệu đồng để duy trì bảo tồn và phát triển. Đến nay, đã có 8 làng nghề được hỗ trợ với tổng kinh phí là 400 triệu đồng. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ 9 làng nghề cải tiến máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến với kinh phí 2.700 triệu đồng. Việc mở rộng quy mô sản xuất và sự hỗ trợ máy móc, bà con đã bớt đi nhiều công đoạn, thời gian, tạo ra nhiều mẫu mã đẹp, chất lượng nâng cao. Song song với hỗ trợ làng nghề, công tác khuyến công triển khai hiệu quả góp phần rất quan trọng vào sự phát triển nghề truyền thống, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2014-2019, tổng kinh phí Nhà nước dàn cho hoạt động khuyến công là hơn 6,25 tỷ đồng, với 37 đề tài, tập trung vào các lĩnh vực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Qua hoạt động khuyến công, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống được khôi phục và phát triển như: Dệt thổ cẩm (Mai Châu), sản xuất rượu (Lương Sơn), sản xuất chổi chít (thành phố Hoà Bình)… Các sản phẩm đã đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2011-2020, nhất là trong 5 năm trở lại đây, các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trong tỉnh phát triển mạnh mẽ, năng lực sản xuất được nâng lên đáng kể. Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của tỉnh không chỉ phục vụ cho nhu cầu sử dụng của địa phương mà đang mở rộng ra thị trường trong nước, một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ bước đầu xuất khẩu nước ngoài, như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Đây là những nhân tố quan trọng, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn và bảo tồn phát triển nghề truyền thống của tỉnh./.