DetailController

Văn hóa

Thư viện tỉnh Hoà Bình: Có cũng như không?!

23/03/2011 00:00
Phía trước là lều bạt và rác rưởi của một hội chợ thương mại, phía sau là những âm thanh chát chúa của Karaoke và tiếng MC dẫn chương trình cho các đám cưới hắt sang.
Đó là những cảnh tượng đập vào mắt khi chúng tôi lần mò tìm đến Thư viện tỉnh Hòa Bình. Nhiều bạn đọc nói rằng, với cơ sở vật chất hiện nay, Thư viện tỉnh “có cũng như không”!

20  năm sống cảnh... “không nhà”(!)

Lần thư theo những tâm tư xen lẫn bức xúc của bạn đọc, chúng tôi đến Thư viện tỉnh Hoà Bình trong những ngày thiết chế văn hóa cấp tỉnh này đang bị bưng bít giữa một quang cảnh ồn ào, hỗn độn của Hội chợ Thời trang Hoà Bình 2011.

Phía hiên bé tẹo nằm kề cửa ra vào duy nhất của Thư viện lại la liệt kẻ nằm người ngồi, đồ ăn thức uống được vứt ra một cách bừa bãi... Mấy cô thủ thư cho biết, không chỉ nhốn nháo bên ngoài, những ngày có Hội chợ, Thư viện còn trở thành địa chỉ “giải quyết”... nhu cầu của hàng trăm người.

Hành lang Thư viện nhầy nhụa với những vết bẩn, và không gian thì thật khó tưởng tượng bởi những hỗn tạp, xú uế. Thế nên, gian phòng đọc bé tẹo teo nằm ngay gần kề cửa ra vào cũng chẳng còn đủ sức níu giữ những độc giả tâm huyết, cho dù đó là những cô cậu học sinh đã nhọc nhằn đạp xe tới vài cây số chỉ để đến Thư viện tìm và đọc sách.

"Mặt tiền " của Thư viện tỉnh Hòa Bình(chụp ngày 16.3)

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thái, Giám đốc Thư viện tỉnh thỉnh thoảng buông những tiếng thở dài. Không thở dài sao được khi ông là người có thâm niên trong đội ngũ cán bộ đang công tác tại Thư viện tỉnh Hoà Bình, cũng là người đã từng lăn lộn, kiến nghị nhiều nhất cho sự nghiệp phục vụ văn hoá đọc ở địa phương này. Nhưng kêu hoài mà không thấy một ai có trách nhiệm đáp lại. Vì lẽ đó, đến nay đã chẵn hai chục năm, Thư viện cấp tỉnh phải lay lắt sống trong cảnh... “không nhà”.

Thấy chúng tôi bày tỏ sự ngạc nhiên về quang cảnh hỗn độn đang diễn ra ngay phía trước Thư viện, ông Thái chỉ cười vì đó không còn là chuyện lạ. Năm nào chả 3-4 bận, thậm chí còn nhiều hơn khi diện tích sảnh phía trước Cung Văn hoá và Thư viện tỉnh lại bị trưng dụng để tổ chức Hội chợ. Cũng không chỉ có 3-4 bận ấy,  thường ngày ngay phía trước cửa Thư viện, người ta cũng tận dụng nốt diện tích còn lại để kinh doanh trò chơi đi kèm với đó là những âm thanh inh ỏi.

Chuyện đang dở, ông Thái lại phải ra khép bớt cánh cửa sổ mở thông phía sau phòng vì không chịu nổi mớ âm thanh chát chúa vọng vào.

Vào giờ này ở đây là bắt đầu vào tiệc của các đám cưới  thuê địa điểm của Trung tâm Giải trí Sao Mai (nằm phía sau Thư viện). Tiếng MC lại oang oang dẫn chương trình chúc mừng cô dâu chú rể, còn các cán bộ Thư viện lại phải ngậm ngùi động viên nhau cố gắng! Ngoài giờ cao điểm phục vụ  đám cưới, Trung tâm Giải trí này cũng chả lúc nào yên ắng và liên tục tra tấn các nhân viên, độc giả đến Thư viện bởi những phòng Karaoke với loa âm thanh cỡ đại mà không đủ điều kiện cách âm.

Ngổn ngang kho sách chờ

Phòng đọc + Kho sách thiếu nhi= hơn chục mét vuông

Không chỉ bị kẹt cứng giữa những âm thanh nhộn nhạo và không gian hoàn toàn không phù hợp với chức năng và đặc thù của một thiết chế thư viện, Thư viện tỉnh Hoà Bình còn đang phải hoạt động trong một tình trạng quá chật chội. Nằm ở vị trí ngay gần cửa ra vào, phòng đọc của Thư viện đang phải chen chân với kho sách thiếu nhi trong một diện tích thật khó tưởng tượng: chỉ hơn một chục mét vuông. Lèo tèo vài bộ bàn ghế được kê sơ sài để lấy chỗ ngồi cho thủ thư và độc giả, kệ sách thiếu nhi khép mình khiêm tốn giữa một thẹo đất bé tẹo.

Hỏi Giám đốc, vì sao một Thư viện tỉnh nhưng chỉ có trên dưới chục chỗ ngồi để phục vụ bạn đọc tại chỗ, ông Lê Văn Thái  lắc đầu vì thật khó giải thích về cái hiện trạng bất ổn mà ai cũng đã nhìn thấy rất rõ này. Phòng đọc này từ buổi Thư viện tỉnh mới chuyển về đây đã được cơi nới từ chính hành lang toà nhà cũng được gần trăm mét vuông gồm cả sân khấu, đủ để “ra dáng” cho một phòng đọc tổng hợp.

Thế rồi năm ngoái, để phục vụ nhiệm vụ chính trị, Thư viện phải trả lại phần lớn diện tích phòng đọc để tỉnh Hoà Bình thành lập một phòng có chức năng mới, gọi là phòng VIP (?). Phòng đọc tỉnh Hoà Bình chỉ còn lại có thế, là một thẹo đất thừa chả đủ để làm gì. Vậy mà vẫn phải tận dụng, bởi nếu không biết lấy đâu ra chỗ (?!).

Tiếp chúng tôi, cô thủ thư ngồi giữa những bộn bề vẫn gắng nhoẻn miệng cười. Từ ngày phòng đọc bị “cắt xén”, thật khó cho công tác phục vụ bạn đọc. Cô bảo, nhiều độc giả trước đây có thói quen đến thư viện đọc sách, bây giờ chật chội thế này, nhiều người đã từ bỏ thói quen và đành phải mượn sách về nhà.

Hệ thống kho sách và các phòng chức năng của thư viện cũng nằm trong tình trạng không khá khẩm gì hơn.

Kho sách chờ với hơn 3 vạn bản đang phải “nằm im” vì không có nơi sắp xếp. Kho mượn chật chội đến mức cô thủ thư phải lách mình mỗi lần tìm sách cho bạn đọc, lại khốn khổ vì mỗi khi trời mưa, nước lại chảy tong tong ngay mé cửa. Một phòng có chức năng rất quan trọng đối với công tác thư viện là phục chế, bảo dưỡng sách báo lại được tận dụng từ phòng làm việc của Phó giám đốc Thư viện.

Chưa kể, trong một căn phòng rộng chừng 15 m2, chúng tôi chứng kiến cả chục cán bộ của thư viện, từ Phó giám đốc đến các Trưởng phòng, nhân viên phải “chen nhau” để làm việc, từ các công việc nhập dữ liệu, kiểm kê sách báo đến công tác quản lý, hành chính... Hệ thống thư mục phục vụ tra cứu, bàn ghế cũng được “di cư” rải rác suốt dọc hành lang.