Khai thác thủy sản diễn ra chủ yếu là trên hồ thủy điện sông Đà và các sông suối lớn, hồ, đập. Phương tiện khai thác gồm thuyền nhỏ các loại 1.470 chiếc, lưới các loại 1.250 chiếc và 445 cái vó đèn. Đối tượng khai thác chủ yếu là các loại cá tạp và tôm sông, loài cá có giá trị kinh tế cao ngày càng chiếm tỷ lệ thấp. Trong vụ, toàn tỉnh đã ương dưỡng được 59 triệu con cá giống các loại. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản bao gồm nuôi ao hồ nhỏ, nuôi cá ruộng, nuôi cá hồ chứa là 2.697 ha. Tổng toàn tỉnh có 4.950. Hiện nay nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện Hòa Bình đang được tỉnh rất quan tâm khuyến khích phát triển, một số loài cá có giá trị kinh tế cao được các hộ nuôi lồng đưa vào nuôi.
Theo dự báo thời tiết của cơ quan khí tượng thủy văn vụ Đông vẫn còn bão có thể ảnh hưởng đến nước ta. Để chủ động cho sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản đề nghị các cơ sở sản xuất giống, xây dựng kế hoạch tuyển chọn đưa vào nuôi vỗ đàn cá bố mẹ, để chuẩn bị cho sinh sản nhân tạo, chuẩn bị ao lưu giống qua đông, ao ương nuôi cá bột, cá hương, cá giống và nuôi thương phẩm. Đối với cá nuôi thương phẩm thường xuyên kiểm tra nếu đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch, với các loài thủy sản đang nuôi cần quản lý mật độ cá nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường như: oxy, pH, H2S. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh cho cá: Dùng vôi hoặc chế phẩm sinh học xử lý nước; cung cấp đầy đủ lượng thức ăn về số lượng và chất lượng. Đồng thời bổ sung thêm các loại Vitamin; men tiêu hóa nhằm tăng sức đề kháng cho cá. Gia cố ao, lồng nuôi vững chắc. Đối với lồng, bè khi đặt song song phải cách nhau tối thiểu 10m; khi đặt so le nối tiếp nhau tối thiểu 200m và di chuyển vào nơi neo đậu an toàn.
Theo kế hoạch sản xuất thủy sản vụ Đông 2023, toàn tỉnh phấn đấu diện tích nuôi trồng thuỷ sản bao gồm nuôi ao hồ nhỏ, nuôi cá ruộng, nuôi cá hồ chứa là 2.695 ha, số lồng nuôi cá là 4.980 lồng nuôi. Sản lượng nuôi trồng khai thác 2.221 tấn. Trong đó, sẽ chủ động ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật mới vào nuôi trồng thủy sản để tăng năng suất, sản lượng trên đơn vị diện tích, tăng giá trị kinh tế. Phát triển hợp lý nghề nuôi cá lồng, bè ở các thủy vực lớn, đặc biệt là trên lòng hồ thủy điện sông Đà, bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản và môi trường. Tăng cường công tác dự báo phòng ngừa dịch bệnh. Tập trung đầu tư để ngành thuỷ sản phát triển tương xứng, cân đối trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Hoà Bình. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa dạng hoá giống loài, hình thức nuôi, tận dụng một số vùng phù hợp để nuôi thủy đặc sản như cá Lăng, cá Chiên, cá Bỗng; cá nước lạnh cá Tầm, cá Hồi…./.