DetailController

Văn hóa

Thông qua hồ sơ di tích cơ sở A2 – Báo Nhân dân tại xã Lâm Sơn ( huyện Lương Sơn)

26/08/2019 00:00
Ngày 23/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với UBND huyện Lương Sơn tổ chức Hội nghị thông qua hồ sơ di tích cơ sở A2 – Báo Nhân dân tại xã Lâm Sơn. Dự hội nghị có đồng chí Bùi Tiến Lực – TUV, Phó trưởng ban TT Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện Báo Nhân dân; Bảo tàng Hòa Bình; Sở Tài nguyên và Môi Trường cùng đại diện các ngành chức năng của huyện Lương Sơn, xã Lâm Sơn và các ông, bà là nhân chứng lịch sử của cơ sở A2-Báo Nhân dân.
Các đại biểu khảo sát thực tế hang Nhà Báo tại xã Lâm Sơn ( Lương Sơn)

Tại hội nghị, đại diện Bảo tàng Hòa Bình đã thông qua lí lịch khoa học về di tích cơ sở A2- Báo Nhân dân. Dựa trên các tài liệu thu thập được và lời kể của các nhân chứng cho thấy: Trong giai đoạn 1965-1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt. Để phòng ngừa chiến tranh phá hoại, ảnh hưởng đến hoạt động của Báo Nhân dân, được sự đồng ý của Trung ương Đảng, Ban biên tập Báo Nhân dân đã chỉ đạo Nhà in thành lập xưởng in sơ tán dự phòng tại vùng núi Hòa Bình. Cuối năm 1965 được sự giúp đỡ của Đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình và huyện Lương Sơn, Báo Nhân dân đã tiến hành khảo sát, chọn địa điểm và tiến hành xây dựng cơ sở dự phòng A2 tại khu vực núi đá xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Năm 1967 Đội TNXP 105 đang hoạt động ở địa bàn huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình được lệnh hành quân bí mật về xây dựng lán trại, nhà xưởng cho cơ sở A2 – Báo Nhân dân.

Cơ sở dự phòng A2 - Báo Nhân dân gồm 02 khu cách nhau khoảng 800 m. Khu xưởng in được xây dựng trước hang Nhà Báo để đặt máy móc, gồm: Hai máy in loại LB 201 và 202, phía trong hang để máy phát điện, vật tư máy in, khu rửa ảnh, tráng phim... Khu tòa soạn được xây dựng trước khu vực hang Hổ là nơi làm việc của cán bộ, phóng viên, biên tập, gồm các ban: Ban biên tập, Ban trị sự, Ban công nghiệp, Ban nông nghiệp ..., giữa khu xưởng in và tòa soạn là nhà đặt máy thông tin liên lạc, ngoài ra còn một số công trình phụ trợ khác như: giếng nước, nhà bếp, nhà vệ sinh... Theo lời kể của Bác Nguyễn Văn Đậu- nguyên là cán bộ bảo vệ hang Nhà Báo cho biết: Cán bộ của Báo Nhân dân về làm việc tại cơ sở dự phòng A2 thời điểm đông nhất là khoảng 60 người, đó là những năm 1968, 1972 khi đế quốc Mỹ bắn phá Miền Bắc ác liệt nhất. Đến cuối năm 1972 khi Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, lúc đó Báo Nhân dân đã chuyển toàn bộ máy móc và con người về Hà Nội. Mặc dù tại cơ sở A2 chưa chính thức in số báo nào nhưng việc xây dựng và đưa vào hoạt động của cơ sở dự phòng ở xã Lâm Sơn ( Hòa Bình) song song với trụ sở chính ở Hà Nội trong hoàn cảnh chiến tranh là hết sức cần thiết và có ý nghĩa chiến lược. Bởi sự sẵn sàng của cơ sở dự phòng chính là chỗ dựa cho Báo nhân dân vững bước xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Sau khi Báo rút về Hà Nội, các dãy nhà theo thời gian đã bị hỏng, hiện nay chỉ còn lại dấu tích nền nhà xi măng và dòng chữ khắc “Chống Mỹ cứu nước 1967-1972” trước cửa hang Nhà Báo. Các ụ đất và khối đá tự nhiên trước cửa hang đã bị san ủi, cải tạo, trồng cỏ để làm Sân Golf.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, đại diện các ông, bà là nhân chứng và Báo Nhân dân đã làm rõ thêm quá trình xây dựng và hoạt động của cơ sở A2- Báo Nhân dân tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đồng thời, mong muốn cơ sở A2 - Báo Nhân dân sẽ sớm được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, trở thành một địa chỉ đỏ để các thế hệ cán bộ, phóng viên của Báo Đảng có thể đến thăm, hiểu thêm về truyền thống Báo Nhân dân, đồng thời tri ân những người dân địa phương đã từng bảo vệ cơ sở./.