DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Thầy lang xứ Mường

10/05/2010 00:00

Kỳ 3: “Thần y” chữa bỏng

Bài thuốc chữa trị của ông hạn chế để lại di chứng, khả năng nhiễm trùng thấp, cắt ngay cơn đau cho người bệnh...Khẩu trang bịt kín mặt, đội nón lá đứng bên máy xay xát gạo, ít ai nghĩ ông Bùi Văn Dũng (xã Dũng Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) là một người làm nghề y, được nhiều người bệnh nhận làm bố nuôi. Hỏi ra mới biết ông làm nghề chữa bỏng kiêm luôn thợ… xay xát gạo.

Với ông Dũng, dường như thứ cây nào trong vườn cũng có thể là vị thuốc.

 

“Bố” của nhiều người
Anh Bùi Văn Thượng (xã Tân Phong, huyện Cao Phong) vẫn chưa quên ngày kinh hoàng cách đây gần ba năm. Buổi sáng đó, anh Thượng đang sao chè thì ngất lịm, nằm úp toàn thân lên chảo lửa. May có anh hàng xóm đi qua phát hiện, đưa anh đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Hồ sơ bệnh án ghi rõ vết bỏng chín thịt sâu gần 3 cm. Sau khi cứu chữa ít ngày, người ta giới thiệu đưa anh lên Viện Bỏng quốc gia với hy vọng còn nước còn tát. Nhà nghèo, gia đình đã bán cả đất để chạy chữa nhưng vẫn không đủ, không còn tiền đưa anh lên chữa bệnh ở Hà Nội, đành chờ phán quyết của số phận.
Anh Thượng nhớ lại: “Gia đình lúc đó đã chuẩn bị sẵn quan tài rồi, tưởng là chết nhưng bố Dũng đã tìm lại sự sống cho cuộc đời tôi”. Sau khi nhìn vết thương, ông Dũng vội vào rừng lấy thuốc đắp cho anh Thượng. “Trong suốt tám tháng tôi nằm điều trị, ông như người cha chăm sóc cho đứa con ruột thịt vậy. Chữa xong ông chẳng lấy một xu. Vậy là mình xin được làm con của ông, coi như ông là người cha thứ hai sinh ra mình” - anh Thượng tâm sự.
Cách nhà ông Dũng không xa là nhà anh Bùi Văn Tấn, người có hai con đều bị bỏng, được ông Dũng cứu chữa kịp thời. Năm 1999, khi cháu Bùi Văn Nghĩa mới được ba tuổi thì bị ngã vào chậu nước sôi. Toàn bộ cơ thể cháu bị tuột hết da. Vết bỏng của Nghĩa quá nặng bởi da cháu còn non, tưởng chừng rất khó lành lặn trở lại. Sau hai tháng ông Dũng lặn lội tìm kiếm cây rừng đắp thuốc cho Nghĩa, sức khỏe của cháu đã ổn định. Hiện vết bỏng của cháu gần như không còn dấu tích. Khoảng hai năm sau, đứa con đầu của anh Tấn là Bùi Văn Tùng lại bị bỏng mỡ ở chân. Chỉ 10 ngày được ông Dũng đắp thuốc, vết thương đã lành trở lại. Anh Tấn cho biết: “Chữa vất vả cho hai cháu nhưng ông chẳng lấy một đồng tiền công. Dân vùng này nhiều người coi ông là ân nhân, gọi thân mật là bố. Dịp lễ, tết hay khi gia đình ông có công việc gì, mọi người đều đến nhà như những đứa con trở về”.
Ca điều trị di chứng bỏng kinh khủng nhất là trường hợp của anh Nguyễn Văn Định, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Năm 2007, Định bị bỏng xăng toàn thân (tỉ lệ thương tật tới 89%), bệnh viện cứu sống được anh nhưng di chứng để lại vô cùng nặng nề: Muốn đi nhưng phải chạy, dừng lại chân đau buốt; muốn đứng phải ngồi, bởi màng da căng ra. Ông Dũng nhớ lại: “Nhìn Định mà tôi chảy nước mắt. Chưa bao giờ tôi gặp trường hợp thương tâm như thế”. Lúc đầu ông Dũng chỉ dám chữa thử một vùng da để hút hết dịch trong vết thương. Sau khi vết thương được chữa trị hiệu quả, ông tiến hành chữa toàn thân. Sau khoảng ba tháng, di chứng bỏng tan dần, Định có thể sinh hoạt bình thường. Hiện sức khỏe định khá tốt, đã lái được ôtô.
 
Bài thuốc “bốn ưu việt”
Ông tâm sự: “Mình biết đến đâu làm đến đó. Người nào bị nạn, mình cố gắng giúp họ trở lại với cuộc sống đời thường. Thế thôi!”. Ngồi cả buổi chiều, tôi gặng hỏi mãi ông mới chịu chia sẻ: “Ưu việt nhất trong cách chữa bỏng bằng thuốc Nam so với Tây y là hạn chế để lại di chứng trừ khi bỏng nặng; khả năng nhiễm trùng thấp; cắt ngay được cơn đau cho người bệnh và rất ít tốn kém”.
Trong suốt 15 năm làm nghề, ông chữa không lấy tiền công, tiền thuốc của ai. Chữa khỏi bệnh xong, người bệnh mang đôi gà, con vịt tới nhà ông liên hoan… Thế là xong. Hữu xạ tự nhiên hương, người đến nhà ông chữa trị ngày càng đông nên ông chẳng còn thời gian đi làm thuê kiếm sống. Ông tâm sự: “Gia đình đông con, vợ làm ruộng. Tôi chẳng thể vác tù và mãi được. Khoảng hai năm trở lại đây tôi mới bắt đầu chữa lấy tiền nhưng chỉ tương ứng với công sức tôi đi làm thuê thôi. Tôi lấy tiền công đi tìm và làm thuốc, còn cây thuốc là thứ thiên nhiên ban tặng cho chúng ta, con người đương nhiên được hưởng”.
Trước khi quyết định không “vác tù và” nữa, ông đã phải đấu tranh rất nhiều. Ông thẳng thắn: “Chữa trị cho những ca bỏng nặng tôi lấy 100.000 đồng/ngày. Tôi có trách nhiệm chăm lo cho người bệnh chu đáo mọi thứ đến khi khỏi hẳn. Chữa một ca bỏng bình thường chỉ 15 ngày trở lại. Nếu chữa trị ngay từ đầu, thời gian có thể ngắn hơn”. Bà Nguyễn Thị Đỗ (xã Thống Nhất, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đang nằm điều trị  bỏng tại nhà ông Dũng cho biết: “Nằm điều trị tại nhà ông nhưng gia đình ông chẳng lấy tiền. Con gái chăm sóc cho tôi ăn cơm chung luôn với gia đình. Sau một tháng điều trị di chứng bỏng, sức khỏe tôi rất tốt, vết sẹo cũng mờ dần”. Gần như lúc nào ông cũng phải có mặt ở nhà, phòng khi bệnh nhân tới ông còn tức tốc vào rừng hai lá cây đắp sơ cứu. “Nếu mình đem cây trồng về nhà để chữa trị thì sau vài ngày là trụi hết lá, bởi mỗi ca bỏng tốn 1-3 kg lá tươi” - ông Dũng cho biết.
Ông học nghề thuốc của mế già (bà nội - PV) từ lúc tóc còn để chỏm nhưng bắt đầu chữa trị từ năm 1993, ngay khi mế già qua đời. Hiện mỗi năm ông chữa trị khoảng 100 ca bỏng. Tiếng là làm nghề thuốc chứ ông cũng phải tranh thủ làm xay xát gạo để có thêm nguồn thu. Chút thoáng buồn, ông chia sẻ: “Chữa bệnh cho người giàu, nhiều khi họ cứ giải quyết mọi thứ bằng tiền để được khỏi… ngay tức khắc. Chữa thuốc Nam đâu phải như Tây y hiện đại. Lắm lúc nghĩ cũng buồn. Người nghèo họ lại thường chân thật, làm tôi rất cảm kích”.
 
Ngày xuân đoán lá cây rừng
 
Tục ngày xuân đoán lá cây rừng của người Mường không biết có từ bao giờ nhưng họ coi dịp cuối tháng 12 âm lịch hằng năm là ngày “đóng cửa rừng”. Ngày “mở cửa rừng” (còn gọi là lễ Toọc moong - đuổi hổ báo) diễn ra từ ngày 7 đến 15 tháng Giêng, tùy việc chọn ngày của thầy mo. Người Mường quan niệm khi chưa làm lễ “mở cửa rừng” mà tự tiện vào rừng sẽ rất dễ gặp rủi ro như bị ma rừng bắt hồn, hổ báo ăn thịt, rắn rết cắn...
Khi thầy mo làm lễ “mở cửa rừng” xong, trai tráng khỏe mạnh thúc chó vào rừng săn thú; đàn ông, đàn bà luống tuổi cùng các cô gái tỏa đi hái rau, hái nấm. Thịt thú rừng được ăn một chỗ để làm lễ khai xuân. Lúc tiệc tàn giữa đêm khuya, bà con múa hát và nghe kể sử thi, trong đó có tục đoán lá cây. Lá cây được người ta xếp kín trong chiếc giỏ. Người đoán lá phải là trai gái chưa vợ chưa chồng, trọng tài là các vị trưởng lão. Ai đoán được nhiều loại lá nhất sẽ được thưởng một chiếc vòng tay bằng bạc.
Khi đoán đúng tên lá cây, các cụ thường hỏi tác dụng của cây. Trong trường hợp đoán được lá cây làm thuốc, các cụ lại hỏi: Thuốc chữa bệnh gì? Trả lời đúng, các cụ sẽ chỉ cho biết thêm cách phối hợp với các loại dược liệu khác để tạo nên nhiều bài thuốc hay. Có lẽ bởi thế mà người Mường rất giỏi về ẩm thực khi sử dụng rau quả tự nhiên, giỏi về các bài thuốc Nam và tìm kiếm các loại gỗ quý.
Người giỏi thuốc Nam luôn được trọng nể trong cộng đồng. Thầy lang người Mường xưa chữa bệnh không lấy tiền. Khi ai đó nhờ chữa mà khỏi bệnh, lễ vật trả thế nào là tùy tâm. Người bệnh nặng mà được chữa khỏi thường nhận thầy lang là cha mẹ nuôi hoặc anh em kết nghĩa “sống tết, chết giỗ”. 
tổng hợp