Kỳ 2 - Bí quyết miếng trầu
Một bình đựng vôi, một hộp đựng cau và xấp lá trầu tươi: Đó là những thứ có thể chữa trị gãy xương, bong gân, mụn nhọt, rắn cắn. Tiếng xe máy ngược dốc chở mế (bà, cụ) Quyết (ở xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) về nhà lúc mặt trời ngả xuống dãy núi xa, mọi người đứng trong sân bỗng thở phào. Gần chục người bệnh chờ mế suốt từ sáng, họ đứng ngồi không yên.
Bí quyết miếng trầu
Mế Quyết đã gần 80 tuổi mà bước đi nhanh nhẹn lạ thường.
Vài ba câu hỏi thăm mọi người, mế vội bắt tay ngay vào công việc. Thật bất ngờ khi mế mang ra bộ đồ nghề giản đơn: một bình đựng vôi, một hộp đựng cau và xấp lá trầu tươi. Đây là những thứ có thể chữa trị gãy xương, bong gân, mụn nhọt, rắn, chó cắn…
Sau khi têm trầu, mế Quyết để miếng trầu lên miệng “mằn” (làm phép - PV) vài câu rồi nhai. Trầu đã quyện đỏ môi, mế bắt đầu “thổi” một hơi dài lên vết thương bên hông cháu Nguyễn Thị Loan, thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn. Loan bị ngã xe một ngày trước, trên người có nhiều vết bầm tím, trẹo khớp vai. “Thổi” xong năm hơi liền trên các vết thương của Loan, mế Quyết nhả bã trầu trên tay rồi “mằn”, tiếp tục “thổi” vào khớp chân chị Bùi Lan Hương, phường Phương Lâm, TP Hòa Bình. Gần tới ngày cưới, chị Hương bị tai nạn giao thông khiến chân trẹo khớp. Sau vài ngày chữa trị thuốc Nam, rồi Tây y không biến chuyển, chị liền đến nhờ mế Quyết “thổi” giúp. Chị cho biết: “Sau khi được mế thổi vài phút, vết thương như dịu mát, đỡ đau hơn rất nhiều”. Anh Trần Văn Tú (xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn) cũng cho biết: “Nhiều người không tin phương pháp chữa trị của mế nhưng thực tế nhà tôi đã có mấy người được mế chữa trị. Cách đây vài năm tôi bị tai nạn giao thông gãy chân, nằm bệnh viện 20 ngày, đau nhức không sao ngủ được. Sau khi được mế “thổi”, vết thương dịu đau hẳn, tôi đã ngủ ngon. Sau hai tháng, tôi khỏi bệnh”.
Mỗi loại vết thương mế Quyết lại “mằn” một kiểu. Mế khẳng định: “Người bệnh phải được chẩn đoán bệnh bằng Tây y, sau đó mế mới có cách điều trị phù hợp”. Nếu miếng trầu, cau để chữa bệnh bị chó, mèo nhảy vào, việc chữa bệnh không thể hiệu nghiệm, nhất định phải lấy thuốc khác. Dùng hết trầu, cau thì mế cho tiếp chứ tự mua về “thổi”, bệnh dễ biến chứng nặng thêm.
Dốc sức “thổi”
Chiều muộn, tiếng xe máy, ôtô vượt dốc lên nhà mế mỗi lúc một nhiều. Hết khách ra rồi lại khách vào. Thi thoảng mế phải ngưng “thổi” để nghỉ lấy hơi. Phía sau nhà, bốn con lợn kêu rống liên hồi đòi ăn. Mế bảo: “Nhiều lúc mế chẳng muốn làm nữa. Nhà mế neo người, con cháu lại đi học, đi làm hết. Cơm canh không có ai nấu, lợn gà chẳng ai chăm, vườn tược không ai quét dọn. Nhưng người bệnh họ đến nhà rồi, mế biết làm thế nào”. Nói xong, mế Quyết lại xoay người sang “thổi” vào vai đang bị trật khớp cho anh Đinh Ngọc Hoàn, thị trấn Kỳ Sơn. Anh Hoàn bị trật khớp cách đây đã hai tháng do tập thể hình không đúng động tác. (Sau khi điều trị ở bệnh viện một thời gian, vết thương tái phát.) “Thổi” xong, mế Quyết hà hơi vào túi nylon đựng trầu, cau, vôi cho anh Hoàn mang về nhà tự “thổi”. Nhiều ca bệnh nặng, mế phải kết hợp với lá cây rừng để điều trị, thời gian có thể kéo dài đến 2-3 tháng. Bình thường, những ca trẹo khớp, bong gân, chó cắn… mế Quyết chữa trị khoảng 10 ngày là khỏi.
Khi “thổi” mế rất mệt vì không phải lấy hơi theo cách thông thường rồi thổi phù phù. Mế phải hít sâu lấy năng lượng trong người, phải vận hết khí trong cơ thể mình để “thổi” vào vết thương của người bệnh.
Mấy chục năm hành nghề, mế Quyết không nhớ được mình đã chữa cho bao nhiêu người bệnh. Chỉ biết hằng năm có rất nhiều người trở lại thăm mế, không ít người nhận mế làm mẹ nuôi. Mế không đòi hỏi tiền công, tất cả là tùy tâm người bệnh. Người bệnh ở xa, gia đình mế sẵn sàng cho ở lại cả tuần để chữa trị cho khỏi bệnh. Điều mế thanh thản nhất là các con cháu chẳng bao giờ để ý đến chuyện tiền bạc khi mế chữa bệnh cho mọi người.
Chữa bệnh để lại phúc đức
Phương pháp “thổi” trầu chữa lành vết thương của mế Quyết được mẹ chồng là cụ Bùi Thị È truyền cho cách đây khoảng 30 năm. Mế Quyết là người duy nhất ở đời thứ tư được thừa hưởng nghề gia truyền này. Mế hoài niệm: “Ngày còn sống, mẹ chồng mế thường đeo giỏ thuốc đi bộ khắp vùng chữa bệnh cho dân. Chẳng bao giờ cụ lấy tiền công của ai. Cụ chữa được nhiều bệnh lắm, tôi chỉ học được một nửa những bài thuốc của cụ”. Tuy nhiên, phải đến cuối đời mẹ chồng mới truyền nghề thực sự cho mế. Cụ sinh được sáu người con nhưng không ai học được nghề thuốc có bài bản như con dâu Quyết. Trước khi về nơi suối vàng, mẹ chồng mế dặn dò: “Con chữa bệnh để làm phúc cho người ta, không được màng tới chuyện tiền bạc. Có thế con cháu đời sau mới được hưởng phúc đức tổ tiên để lại”.
Theo mế Quyết: “Nghề thuốc phụ thuộc chủ yếu vào tâm mỗi người. Khi truyền nghề, mẹ chồng mế chỉ nói một lần nên đòi hỏi người học phải nhớ được ngay. Cụ không bao giờ nói lại lần hai!”. Hiện mế Quyết chưa chọn được người phù hợp để truyền lại bí quyết của các bài thuốc.
Trước kia, gia đình mế sống ở vùng có rất nhiều lá cây rừng làm thuốc… Ngoài cách “mằn” trầu khi chữa trị gãy xương, mế Quyết cũng kết hợp thuốc Nam để chữa trị nhiều bệnh khác. Mế tâm sự: “Bây giờ rừng bị chặt phá, cháy nhiều quá nên việc tìm kiếm cây thuốc trở nên khó khăn. Không ít cây thuốc đích thân mế phải đi sâu vào rừng mới kiếm được, bởi để con cháu mế đi rừng thì không phải loại cây thuốc nào chúng cũng thuộc mặt mà hái”.
Tối trời rồi vẫn còn vài nhóm người hướng vào con đường tới nhà mế Quyết. Chợt nhớ câu mế nói: “Người bệnh cần thì họ mới tới nhà mình. Nửa đêm mình cũng phải dậy cứu giúp họ. Nghề y là thế”!
Người Hòa Bình nổi tiếng về nhiều bài thuốc bí truyền với những cây thuốc tự nhiên có nhiều hoạt chất, hấp thụ và chắt lọc được khí tiết đất trời, tạo nên bài thuốc khá hiệu quả.
Chẳng hạn như chữa bệnh bằng trầu cau. Cách thức làm phụ thuộc vào hai yếu tố: vị thuốc dùng (trầu, cau, vôi) được họ nhai, hà hơi, cộng với kiểu thôi miên bệnh nhân. Phối hợp hai yếu tố này lại sẽ giúp cơ thể bệnh nhân tự điều chỉnh, hỗ trợ điều trị. Lá trầu có tinh dầu mạnh kháng khuẩn, hoạt huyết, hành khí, giảm đau... Quả cau chữa các chứng thương tích, chướng khí… Khi chấn thương, các cơ co lại (bó cơ) nên cử động sẽ đau khiến người ta không dám động đậy, dùng thuốc giảm đau (có trong lá trầu) để cơ tự động giãn.
Mặt khác, phần lớn thầy mo ngày xưa đều là những người biết thuốc. Họ thường rèn luyện thần khí của mình, đồng thời cho dùng loại thuốc qua cơ thể họ (đã nhai) để mang theo nguồn năng lượng chuyển đến đối tượng.
Ông NGUYỄN MINH HIỂN, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Hòa Bình
|