DetailController

Tỉnh uỷ Hoà Bình

Thảo luận tại tổ đối với 2 dự án: Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

06/06/2022 00:00
Tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 03/6/2022, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ đối với 2 dự án: Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình trong phiên thảo luận tại tổ ngày 3/6

Tham gia thảo luận tại tổ đại biểu, đối với dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cho rằng: Luật Dầu khí đã được xây dựng từ khá lâu (năm 1993), do vậy để đáp ứng được thực tiễn, việc sửa đổi Luật Dầu khí là hết sức cần thiết. Đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát, quy định chặt chẽ hơn về các nội dung liên quan trong dự thảo, nhất là về việc giải thích từ ngữ.

Đối với quy định về Hợp đồng dầu khí tại Chương III, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần phải xem xét quy định việc Tập đòan Dầu khí không phải là cơ quan quản lý Nhà nước nhưng lại là đại diện nước chủ nhà Việt Nam khi ký kết các hợp đồng dầu khí. Theo đại biểu cần xem xét, nghiên cứu chuyển thẩm quyền này cho các cơ quan quản lý Nhà nước để bảo đảm tính khách quan, minh bạch. Bên cạnh đó, cũng cần có đánh giá kỹ về vấn đề phê duyệt hợp đồng dầu khí vì thực tế nếu do Thủ tướng quy định thì sẽ rất khó khăn trong quá trình thực hiện.

Về nội dung đấu thầu và chỉ định thầu, đại biểu đề nghị sau khi đấu thầu nên giao cho nhà thầu thực hiện việc đánh giá trữ lượng. Nếu trong trường hợp không khai thác đạt yêu cầu thì các nhà thầu phải tự chịu trách nhiệm về việc đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án. Trong trường hợp khai thác được nhiều hơn thì nhà nước vẫn thu theo quy định.

Bên cạnh đó, về nội dung đề nghị sửa đổi các luật khác có liên quan, theo đại biểu là chưa cần thiết. Dự thảo cần tập trung sửa đổi những tồn tại hiện nay và các vấn đề có liên quan chủ yếu là bảo đảm trữ lượng, xác định chi phí đầu tư… còn các nội dung dung khác không nên sửa trong luật Dầu khí mà sửa trong các luật khác sẽ phù hợp hơn. Đồng thời, phải có báo cáo đánh giá tác động khi thực hiện sửa đổi các luật này để bảo đảm tính đồng bộ, đúng quy định của pháp luật.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, ĐBQH Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị, cần xác định chi tiết, cụ thể về vai trò của Tập đoàn Dầu khí và đại diện của nước chủ nhà trong thực hiện hợp đồng dầu khí.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà băn khoăn về việc bảo đảm tính công bằng trong đấu giá tần số vô tuyến điện. Do vậy, đại biểu đề nghị làm rõ nội dung này và xem xét tính khả thi khi thực hiện.

Liên quan đến nội dung đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, ĐBQH Ngô Văn Tuấn cũng cho rằng cần công khai minh bạch, quản lý tài nguyên đúng nghĩa vụ. Đồng thời, nhấn mạnh về nội dung cho phép doanh nghiệp quốc phòng - an ninh sử dụng tần số riêng để phục vụ quốc phòng an ninh và phục vụ hoạt động kinh tế, ĐBQH Ngô Văn Tuấn cho rằng, phải có đánh giá kĩ lưỡng, phương án cụ thể không ảnh hưởng đến nhiệm vụ an ninh - quốc phòng và việc khai thác kinh tế. Trước mắt, có thể thí điểm nội dung này. Đồng thời, theo đại biểu cần phải có tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng đối với chất lượng dịch vụ của các công ty cung cấp dịch vụ di động, nhất là cần phải thực hiện kiểm tra, giám sát khách quan nội dung này để bảo vệ quyền lợi của khách hàng./.