DetailController

Khoa học - Môi trường

Thảo luận, góp ý vào Dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

29/04/2020 00:00
Ngày 29/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương "Lấy ý kiến Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường". Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Hoà Bình, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình

Luật Bảo vệ môi trường hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội về trách nhiệm và hành động trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quá trình thực thi cho thấy Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Bộ Tài nguyên và môi trường lấy ý kiến góp ý trực tuyến trong khoảng 3 tháng, từ giữa tháng 12/2019. Trong khoảng thời gian này, có rất nhiều ý kiến của người dân, doanh nghiệp tham gia góp ý sửa đổi Dự thảo.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động, trong đó: Đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác; quy định các chính sách quản lý theo tiến trình thực hiện của dự án đầu tư từ khi chuẩn bị, đưa vào hoạt động cho đến khi kết thúc dự án; đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Bãi bỏ nhiều quy định, giảm nhiều thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý. Coi chất thải là tài nguyên, thực hiện phân loại tại nguồn và tái sử dụng. Thực hiện giảm thải khí nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu. Ở địa phương, sử dụng 2% NSNN chi trả cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Quy định khoanh vùng môi trường nhằm kiểm soát hoạt động môi trường trong kinh tế. Hoàn thiện quan trắc thông tin tự động, và đưa ra các  biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sự cố bất thường.... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.

Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố đề xuất khắc phục mâu thuẫn chồng chéo, chưa đồng bộ giữa các văn bản pháp luật, cần có sự thống nhất trong quản lý Nhà nước; tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; rà soát lại các điều cấm để tương thích với luật dân sự, hình sự.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá cao ý kiến phát biểu tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu ở các điểm cầu. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan soạn thảo văn bản cần rà soát và xây dựng cơ sở pháp lý có tính dự báo dựa trên những đóng góp thực tế của địa phương. Những vướng mắc, khó khăn địa phương gặp phải trong phạm vi thẩm quyền sẽ được hướng dẫn, giải quyết bằng các văn bản của Bộ, hoặc Bộ kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung vượt thẩm quyền. Về dự thảo luật, sau khi tiếp nhận những bổ sung và chỉnh sửa, Bộ sẽ nghiên cứu kỹ và hoàn thiện để gửi Quốc hội, hoặc sẽ phản hồi, giải trình với địa phương bằng văn bản. Khuyến khích, tăng cường trao đổi thông tin giữa Bộ và địa phương qua kênh điện tử của Bộ, khẳng định thành công của ngành là thành công của địa phương. Song song với việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiệu quả thay cho hình thức nhằm đạt mục đích công tác quản lý được giữ vững và chất lượng môi trường. Một lần nữa Bộ trưởng khẳng định nguyên tắc “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, đảm bảo phát triển lâu dài và bền vững, nhân dân được hưởng chất lượng cuộc sống ngang bằng các nước đang phát triển./.