DetailController

Thời sự trong ngày

Tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư

29/06/2021 00:00
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay việc triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh (bao gồm dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước và dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước) đang chậm tiến độ. Nguyên nhân được phân tích chủ yếu là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện UBND tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo cơ cấu ngân sách và tăng trưởng của tỉnh.
Lê Thùy- CTTĐT

Đối với dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước, trong 06 tháng đầu năm 2021 (số liệu ước tính đến ngày 15/6/2021), trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 05 dự án đầu tư được cấp mới. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký đều giảm. Lũy kế đến ngày 15/6/2021, trên địa bàn tỉnh có 629 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước còn hiệu lực hoạt động.

Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, tính đến ngày 31/5/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao chi tiết số kế hoạch vốn là 3.079 tỷ đồng, bao gồm: 2.095 tỷ đồng bố trí thực hiện các dự án và 984 tỷ đồng thực hiện các hạng mục chi phí khác. Trong đó: 14 dự án đã hoàn thành, 40 dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm 2021, 28 dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2021, 22 dự án đối ứng ODA, 09 dự án đối ứng NSTW, 22 dự án chuẩn bị đầu tư và 56 dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu cho huyện, thành phố theo Nghị quyết số 310/2020/NQ-HĐND ngày 11/11/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh còn 284 dự án đầu tư chưa hoàn thành. Trong đó có 211 dự án đang thực hiện thủ tục đất đai; trong đó có 98 dự án chậm triển khai thực hiện. Phần lớn các dự án này gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện bồi thường, GPMB, chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân như: Hiện trạng sử dụng đất của các hộ dân có nhiều thay đổi so với trích đo đã được thực hiện; nhiều hộ dân không phải người địa phương nên khó xác định địa chỉ; một số hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp lại sổ, cấp mới, thừa kế theo quy định dẫn đến chậm tiến độ GPMB. Người dân yêu cầu đơn giá bồi thường cao hơn gấp nhiều lần so với đơn giá bồi thường theo quy định của nhà nước. Quy định về hình thức thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các chủ sử dụng đất và áp dụng bồi thường đối với công trình, dự án Nhà nước thu hồi đất có một số vấn đề chưa hợp lý, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Việc bố trí nguồn vốn chi trả bồi thường của nhà đầu tư chưa kịp thời.

Việc chậm tiến độ GPMB dẫn đến việc nhà đầu tư chậm được bàn giao đất để tổ chức thi công xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án; nhà đầu tư không thể triển khai dự án theo chủ trương đầu tư được duyệt, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và chậm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong thời gian qua, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt để giải quyết dứt điểm đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ, sử dụng đất không hiệu quả và vi phạm các quy định khác của pháp luật về đầu tư, đất đai,...Đã thu hồi 26 dự án đầu tư ngoài các khu, cụm công nghiệp, UBND tỉnh đã quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy về việc xử lý chấm dứt các dự án đầu tư chậm tiến độ, kết quả đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo quỹ đất sạch, tạo điều kiện, cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án. Chỉ đạo sát sao tháo gỡ khó khăn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn NSNN để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ dự án, sử dụng hiệu quả nguồn vốn NSNN. Yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm; nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đầu hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao, thực hiện rà soát, có văn bản báo cáo, cam kết tỷ lệ giải ngân; xem xét, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của những dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để điều chuyển vốn cho các dự án khác có nhu cầu và khả năng giải ngân tốt hơn. Hiện còn có 81 dự án chưa thực hiện giải ngân kế hoạch vốn giao và 18 dự án giải ngân thấp, đạt dưới 30% kế hoạch vốn giao.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án, trong đó then chốt là công tác GPMB. Trước hết, thực hiện tuyên truyền cho các hộ dân trong khu vực thực hiện dự án về hiệu quả, lợi ích trong việc thực hiện các dự án đầu tư đối với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong công tác bồi thường, GPMB, chuẩn bị đầu tư, sớm đưa dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân địa phương,...; kịp thời giải quyết những khiếu kiện, khiếu nại của người dân theo đúng quy định của pháp luật. Ban hành Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện thành phố với nhà đầu tư khi thực hiện các dự án sử dụng đất do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Nâng cao chất lượng lập quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, công khai Quy hoạch tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất…, trong đó cần xác định rõ các vị trí có lợi thế để kêu gọi, thu hút đầu tư. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp. Tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với các dự án sử dụng vốn NSNN: Tập trung ưu tiên bố trí vốn thực hiện các dự án lớn, của tỉnh. Hoàn thành việc giao kế hoạch vốn hằng năm ngay từ đầu năm để các dự án kịp thời triển khai thực hiện. Đẩy mạnh thu từ nguồn sử dụng đất, xổ số kiến thiết để đảm bảo nguồn vốn bố trí cho các dự án theo kế hoạch được duyệt. Yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác…./.