Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hòa Bình có 30.801 trẻ chiếm tỷ lệ 21,9% dân số. Số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 407 trẻ, trong đó: Trẻ khuyết tật được hưởng trợ cấp là: 362 trẻ; trẻ mồ côi 32 trẻ, trẻ em bỏ rơi 3 trẻ; trẻ em không nơi nương tựa 7 trẻ; trẻ em khuyết tật 362 trẻ; trẻ em nhiễm HIV/AIDS là 01 trẻ; trẻ em bị xâm hại tình dục 01 trẻ; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo là 01 trẻ. Trong 6 tháng đầu năm, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được Uỷ ban nhân dân thành phố quan tâm chỉ đạo, qua đó trẻ em được tiếp cận cơ bản đầy đủ các dịch vụ xã hội; trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm, chăm lo cuộc sống, tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện cả về vật chất, tâm lý, tình cảm, nhận thức; kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ được nâng lên. Công tác bảo vệ trẻ em được lồng ghép với việc theo dõi đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em, công tác này được thực hiện ở cả 3 cấp độ: Phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ. Giảm thiểu số lượng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất, tâm lý, tình cảm, nhận thức, đạo đức và xã hội.
Các chủ chương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác Bảo vệ và chăm sóc trẻ em được triển khai kịp thời. Thành phố đã huy động nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong đó tập trung chăm lo cho con em công nhân, người lao động. Tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ, vận động trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được các nhà trường và học sinh hưởng ứng tích cực; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, không có bạo lực; Tạo mối quan hệ phối hợp giáo dục giữa nhà trường - gia đình - xã hội.
Các chế độ, chính sách đối với trẻ em được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; các đơn vị có nhiều hoạt động, hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em tại địa phương như: Quan tâm đầu tư xây dựng các khu vui chơi và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao cho trẻ em. Các chính sách về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện: 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 50,1% trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng 06 loại vacxin; 19/19 phường, xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc và hưởng chế độ theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; 100% trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách, người có công được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ theo quy định, không có trường hợp không được đi học do hoàn cảnh khó khăn.
Công tác tuyên truyền luôn được quan tâm, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua các hoạt động tập huấn, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khoá, họp phụ huynh học sinh, hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm, hội thi, hội diễn… đã tuyên truyền nâng cao kiến thức và giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác của các bậc cha mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ từ đó bảo vệ con em mình đối với các hành vi, thủ đoạn lừa gạt, xâm hại, mua bán trẻ em. 100% các trường học trên địa bàn lồng ghép phổ biến giáo dục Luật Giao thông đường bộ; phòng, chống ma túy, bạo lực học đường; phòng chống đuối nước xâm hại tình dục trẻ em... trong chương trình giáo dục phổ thông và các hoạt động ngoại khóa. Cùng với đó, chú trọng thực hiện công tác giáo dục kỹ năng sống thông qua trải nghiệm giúp trẻ nắm được chủ trương, chính sách, chương trình phòng, chống tai nạn thương tích, phương pháp xử lý những vấn đề liên quan đến bạo hành trẻ em.../.