DetailController

Khoa học - Môi trường

Thành phố Hòa Bình: Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ thu gom chất thải rắn đạt 95%

31/03/2023 15:11
Lâu nay, rác thải tồn đọng lâu nay là bức xúc, nhức nhối của người dân và chính quyền Thành phố Hòa Bình. Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn thành phố khoảng 90 tấn/ngày đêm; thực tế lượng rác thải sinh hoạt đã được thu gom, vận chuyển khoảng 75 tấn/ngày đêm. Tuy nhiên hiện tại công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn.
Thành phố Hòa Bình phấn đấu giải quyết tốt vấn đề chất thải rắn sinh hoạt để xây dựng đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp

Để phấn đấu tới năm 2025, tỷ lệ thu gom chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hòa Bình đạt 95% theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 232-KH/TH.U, ngày 23/3/2023 về Triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 14/11/2022 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. UBND thành phố yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương trong tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị số 30 của Tỉnh ủy đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, kịp thời, hiệu quả và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong công tác quản lý thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện.

Các cơ quan, ban, ngành, UBND các phường, xã thực hiện phối hợp đồng bộ trong công tác quản lý thu gom, xử lý chất thài rắn trên địa bàn để hoạt động được thực hiện xuyên suốt và có hiệu quả, không để tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra tại bất kỳ địa điểm, khu phố trên địa bàn. Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương, đơn vị mình quản lý. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uy đảng đối với công tác quản lý thu gom, xử lý chât thải rắn khu vực đô thị. Giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra. Huy động mọi lực lượng tham gia hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; công tác tổ chức và thực hiện phải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Tăng cường năng lực quản lý rác thải rắn sinh hoạt, tiến hành đồng thời các giải pháp đấy mạnh công tác phân loại rác thải tại nguồn, lưu giữ, thu gom, vận chuyên, tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; mở rộng mạng lưới thu gom rác thải rắn sinh hoạt; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân trong công tác quản lý rác thải sinh hoạt. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ thu gom chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hòa Bình đạt 95% theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố. Đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử rác thải sinh hoạt tại khu vực đô thị; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đảm bảo phù hợp, sát với thực tế. Tổ chức lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thỉ thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định cùa pháp luật.

Để thực hiện được mục tiêu trên, thành phố tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp như: Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thu gom, xử lý chất thải rắn đồng bộ đáp ứng tình hình phát sinh chất thải rắn từ các hộ gia đình, đơn vị, cơ quan và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn các phường, xã. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất tái chế, tái sử dụng chất thải, đặc biệt là mô hình thuộc Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng đô thị văn minh nhằm cải thiện môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn. Thu hút các doanh nghiệp có năng lực về tài chính và công nghệ về đầu tư, xây dựng các nhà máy xử lý rác thải để giải quyết hiệu quả tình hình rác thải về lâu dài; Hướng tới xây dựng mô hình Ban quản lý, Ban quản trị đối với các khu dân cư hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính để nâng cao tỷ lệ thu gom như khu Zen, khu Mỹ Phong tại phường Hữu Nghị; khu Vĩnh Hà tại phường Đồng Tiến... Chỉ tiêu đến năm 2025 có trên 70% các phường, xã xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm thực hiện phân loại rác tại nguồn để giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn hạn chế ô nhiễm môi trường. Quy hoạch và xây dựng các điểm tập kết rác thải sinh hoạt, khu xử lý rác thải đảm bảo theo quy định. Hoàn thiện, bổ sung quy hoạch đảm bảo thành phố có ít nhất 02 điểm xử lý rác thải sinh hoạt và phế thải xây dựng. Đến năm 2025 phối hợp tham mưu quy hoạch và xây dựng ít nhất 01 trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt liên vùng theo quy định; Bố trí ít nhất 01 điểm tập kết rác thải rắn theo quy định để kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom, vận chuyển bằng cách sử dụng xe tải nhỏ để thay thế các điểm tập kết xe gom trên các tuyến phố trung tâm như hiện nay./.