DetailController

Thời sự trong ngày

Thành phố Hòa Bình đẩy mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

17/08/2022 00:00
Ngay từ đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hòa Bình đã chỉ đạo phòng Kinh tế - Cơ quan Thường trực của Hội đồng Khoa học và Công nghệ tham mưu cho UBND thành phố xây dựng Kế hoạch số 245/KH-UBND ngày 24/01/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình về hoạt động, công tác khoa học và công nghệ thành phố Hòa Bình năm 2022. Đồng thời triển khai các hoạt động sáng kiến, sáng tạo kỹ thuật, Hội thi, Cuộc thi.
Vận động các em thiếu niên, nhi động hưởng ứng các Cuộc thi sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đẩy mạnh phong trào thi đua học tập

6 tháng đầu năm 2022, công tác quản lý về sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ được thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Ủy ban nhân dân
thành phố Hòa Bình đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện 01 đề tài tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận gồm:  “Sả - Tinh Dầu Sả thành phố Hòa Bình” cho sản phẩm Sả và tinh dầu Sả của thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Đăng ký chuẩn hóa 02 sản phẩm của 02 chủ thể đối với các sản phẩm OCOP tiềm năng năm 2022 gồm:  Sản phẩm Đông trùng hạ thảo khô QP Gold  của hộ kinh doanh: Ngô Kim Quyền; Sản phẩm Trà túi lọc xạ đen Hòa Bình của Công ty TNHH MTV Thương Hảo.

 Đến nay, thành phố Hòa Bình đã xây dựng 16 sản phẩm OCOP, trong đó 07 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và 09 sản phẩm OCOP 3 sao. Hàng năm các sản phẩm của địa phương vẫn thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại trong tỉnh và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm đặc thù sau khi được xác lập quyền sở hữu trí tuệ có giá trị hiệu quả kinh tế. Sau khi được dán tem, nhãn đã làm tăng trách nhiệm của người bán và tăng giá trị của sản phẩm với giá bán cao hơn từ 25 - 30% so với sản phẩm không dán tem chỉ dẫn địa lý và hiện nay đã mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân. Đối với các sản phẩm OCOP được đánh giá chất lượng, có khả năng và sức cạnh tranh trên thị trường. Sau khi sản phẩm được công nhận đạt sao các chủ thể đã có kế hoạch, chiến lược tốt trong phát triển sản phẩm, đến nay các sản phẩm đã có thương hiệu, với số lượng bán ra thị trường tăng khoảng 30% so với thời kỳ đầu; mẫu mã, chất lượng sản phẩm từng bước được khẳng định đã dần hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của địa phương.

Bên cạnh đó, Thành phố Hòa Bình cũng tổ chức thực hiện tốt việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Triển khai Kế hoạch số 113/KH-BTC ngày 25/8/2021 của
Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Hòa Bình về hưởng ứng Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18 năm 2021-2022; Thể lệ Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hòa Bình lần thứ 9 năm 2022-2023 đến công chức, viên chức, người lao động và nhân dân phát huy tính sáng tạo, xây dựng các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật tham gia Hội thi. Các em đoàn viên, thanh thiếu niên nhi đồng tham gia Cuộc thi xây dựng các đề tài cótính ứng dụng trong đời sống, phù hợp với lĩnh vực của ban tổ chức để tham gia Cuộc thi, đẩy mạnh phong trào thi đua học tập ở các em thanh thiếu niên, nhi đồng trên toàn thành phố, các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố để hưởng ứng tham gia Hội thi, Cuộc thi. Đến thời điểm hiện tại Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố đã tiếp nhận được 32 dự án của các đơn vị trường học trên địa bàn đăng ký tham gia Cuộc thi.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn thành phố hưởng ứng tham gia Hội thi “Tìm kiếm sáng kiến cải cách hành chính tỉnh Hòa Bình năm 2022, đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hội đồng Sáng kiến thành phố xét công nhận 485 sáng kiến ngành giáo dục trên địa bàn thành phố.

Việc tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, quản lý mang lại hiệu quả cao, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc áp dụng các tiến bộ trong đời sống; giúp bà con nông dân ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm được chi phí, mang lại lợi nhuận cao, cải thiện môi trường sinh thái, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống Nhân dân trên địa bàn thành phố. Trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng KHCN thành phố tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình khoa học và công nghệ năm 2022. Tổ chức thực hiện dự án Nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học BIOHB phục vụ trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Tổng kinh phí thực hiện gần 200 triệu đồng. Trong đó kinh phí hỗ trợ từ nguồn khoa học và công nghệ năm 2022 là gần 80 triệu đồng.

Tuy nhiên, viện ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, quản lý còn chậm; việc phát triển các phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và đổi mới sáng tạo còn hạn chế; chưa thực hiện thí điểm những mô hình, dự án áp dụng công nghệ cao và chưa có tính đột phá. Các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, bên cạnh đó
các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, trang bị
máy móc thiết bị hiện đại còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư của các
doanh nghiệp trên địa bàn. Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ thành phố còn ít và không đồng đều, chưa có nhiều chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ. Nguồn kinh phí phục vụ cho ứng dụng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án còn thấp…

Năm 2023, thành phố Hòa Bình xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững; nâng cao tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố. Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ vào phát triển kinh tế xã hội tại địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số./.