Cuối triều tiền Lê, tình hình đất nước rối ren, Lê Long Ðĩnh bỏ bê việc triều chính. Bấy giờ bá quan văn võ cùng suy tôn Lý Công Uẩn - người đang giữ chức Tả Thân vệ điện tiền chỉ huy sứ, lên ngôi vua. Mùa đông năm Kỷ Dậu (1009), tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình), vương triều Lý được thành lập. Trải qua hơn 200 năm (1009 - 1225), các vua triều Lý đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp duy trì và củng cố nền độc lập, tự chủ lâu dài của đất nước, mà tiêu biểu là sự kiện Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư ra thành Ðại La cùng quá trình xây dựng kinh đô trở thành một đô thị phát triển.
Nhìn lại lịch sử nước Ðại Việt trong thập niên đầu thế kỷ 11, thì kinh đô Hoa Lư - tồn tại qua hai triều đại Ðinh và tiền Lê, vốn ở nơi núi non hiểm trở, thích hợp với yêu cầu phòng thủ quân sự. Trên thực tế, dựa vào thế mạnh về địa hình ở Hoa Lư, Ðinh Tiên Hoàng đã dẹp yên loạn 12 sứ quân, Lê Ðại Hành đã đánh tan quân xâm lược Tống. Những thành quả của các triều đại từ họ Khúc, họ Ngô đến triều Ðinh, triều tiền Lê đã tạo điều kiện thuận lợi để có thể đưa đất nước ta, dân tộc ta bước vào thời kỳ mới. Ðó là thời kỳ xây dựng và phát triển các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội đáp ứng các đòi hỏi mới của lịch sử. Trong bối cảnh đó, kinh đô Hoa Lư với vị trí và địa thế của vùng rừng núi không còn thích hợp để giữ vai trò là kinh đô của nhà nước phong kiến, cũng như với việc tổ chức, quản lý, phát triển quốc gia.
Theo Ðại Việt Sử ký Toàn thư, đầu năm 1010, vua Lý Thái Tổ viết Chiếu dời đô - Thiên đô chiếu, chính thức lựa chọn thành Ðại La làm kinh đô mới của nước ta, và khẳng định, thành Ðại La "ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước..." xứng đáng là "thượng đô kinh sư muôn đời". Mùa thu năm ấy, triều đình nhà Lý dưới sự lãnh đạo của Lý Thái Tổ đã dời kinh đô ra vùng đất mới. Tương truyền trên đoàn thuyền ngự, nhà vua thấy có rồng vàng hiện lên, nhân đó đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long. Tên gọi này hàm chứa khí thế mạnh mẽ vươn lên của quốc gia, dân tộc; đồng thời thể hiện ý thức về cội nguồn con Rồng cháu Tiên.
Về mặt quân sự: Qua mấy chục năm đất nước thanh bình phát triển, chiến tranh tạm thời lắng xuống, đến năm 1075, phong kiến phương Bắc lại một lần nữa lăm le bờ cõi Ðại Việt. Tháng 3-1076, vua Tống sai Tuyên sứ là Quách Quỳ đem 10 vạn quân tinh nhuệ theo hai đường thủy, bộ tiến đánh nước ta. Với phòng tuyến vững chắc được thiết lập trên sông Như Nguyệt ở ngay phía bắc kinh thành Thăng Long, quân đội do Lý Thường Kiệt chỉ huy đã dùng mưu trí đập tan âm mưu của kẻ thù, buộc chúng rơi vào tình thế hoang mang, tiến thoái lưỡng nan. Lý Thường Kiệt đại diện cho triều đình đã chủ động giảng hòa để giữ yên quan hệ bang giao Tống - Việt, tạo điều kiện cho đám tàn quân nhà Tống có đường rút chạy về nước.
Về kinh tế: Kinh tế nước ta thời Lý chủ yếu dựa vào nông nghiệp, ruộng đất trên danh nghĩa thuộc quyền sở hữu tối cao của nhà vua. Triều đình rất chú trọng việc trị thủy, đắp đê, đặc biệt là đê vùng châu thổ sông Hồng. Từ Vua Lý Thái Tông, Vua Lý Thánh Tông, các chính sách củng cố đê điều đã được ban hành. Ðến năm 1077 và năm 1103, Vua Lý Nhân Tông ra lệnh đắp đê sông Như Nguyệt dài 67.380 bộ. Năm 1108, triều đình tổ chức đắp đê Cư Xá ở sông Hồng (nay là đoạn từ Yên Phụ đến Lương Yên).
Về văn hóa - xã hội: Thời Lý, Thăng Long là trung tâm văn hóa - giáo dục của nước Ðại Việt. Năm 1070, Văn Miếu thờ vị Thánh của nền Nho học được xây dựng. Khoa thi đầu tiên mở ra vào năm 1075. Năm 1076, triều đình thành lập Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của nước ta. Ðây cũng là thời Phật giáo được đề cao, là trung tâm Phật giáo lớn nhất cả nước, kinh thành Thăng Long hội tụ ba thiền phái: Tì-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Ðường. Triều Lý đã để lại cho người đời sau một số công trình kiến trúc có quy mô lớn, độc đáo và mang dấu ấn riêng của thời đại bấy giờ, như chùa Diên Hựu, tháp Báo Thiên, tượng Phật A Di Ðà (chùa Phật Tích), chùa Bà Ðá, chùa Láng...
Dưới thời nhà Lý, Thăng Long - kinh đô của nước Ðại Việt thống nhất đã có bước phát triển đáng kể về mọi mặt. Những thành quả mà vua tôi triều Lý đạt được đã mở ra một trang sử mới cho dân tộc ta, tạo nên tiền đề vững chắc để các vương triều Trần, Lê,... nối tiếp sau đó vừa bảo vệ được nền độc lập, vừa chăm lo phát triển để đất nước ngày một cường thịnh.