DetailController

Văn hóa

Tết Nhảy nét văn hoá độc đáo của bà con dân tộc Dao

31/12/2015 00:00
Thành phố Hoà Bình có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, Trong những năm qua bà con dân tộc Dao ở thành phố Hoà Bình luôn đoàn kết nhất trí một lòng cùng đảng bộ và chính quyền nhân dân các tộc thành phố phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Bà con dân tộc Dao tại thành phố Hoà Bình sinh sống chủ yếu tại phường Thái Bình, xã Thống Nhất. Những năm qua, bên cạnh sự phát triển về kinh tế thì bà con dân tộc Dao trên địa bàn thành phố còn tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp mang đậm giá trị văn hóa dân tộc tín ngưỡng độc đáo đó là là Tết Nhảy. Văn hoá trong Tết Nhảy đã thể hiện rõ nét cho sự phong phú, độc đáo của văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Hoà Bình nói riêng và của tỉnh ta nói chung.
Điệu múa cờ trong Tết Nhảy của bà con dân tộc Dao, xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất – Tp Hoà Bình.

 Cứ vào dịp cuối năm từ tháng 11 âm lịch bà con dân tộc Dao lại chuẩn bị lợn, gạo và những vật phẩm cần thiết cho Tết Nhảy. Người ta không còn nhớ tết nhảy của người Dao có từ bao giở. Chỉ biết rằng tập tục này đã được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bất kỳ một gia đình người Dao nào đều phải tổ chức tết nhảy từ 1 – 2 lần trong đời và cứ  15 đến 20 năm Tết Nhảy lại được tổ chức lại 1 lần đến phiên gia đình nào tùy theo điều kiện thì gia đình đó sẽ  tổ chức. Theo phong tục thì tổ chức Tết Nhảy là nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân trong cộng đồng. Do đó tết nhảy có ý rất sâu xa mà bình dị trong tâm thức của người Dao.

Tết Nhảy là Tết của gia đình nhưng lại được cả bản, cả vùng coi như Tết chung. Do đó công đoạn chuẩn bị không chỉ có gà, có lợn, mà những  đạo cụ dùng trong Tết Nhảy đều anh được anh, em, họ hàng xúm lại làm giúp. Họ cùng nhau làm cùng chia sẻ những câu chuyện cuộc sống đời thường. Để chuẩn bị cho Tết Nhảy, gia đình phải thiết lập bàn thờ, bày biện đồ cúng, đặc biệt trong lễ vật cúng không thể thiếu bánh dày một loại bánh truyền thống thường được làm trong những ngày lễ, tết quan trọng của người Dao. Và theo phong tục của người Dao thì bánh dầy tượng chưng cho mặt trời và là vật phẩm thể hiện sự ấm no, thanh bình của trần thế..

Sau khi lễ vật được bày chí xong xuôi Tết Nhảy được bắt đầu bằng bài cúng Mo. Nhưng chủ nhà không được tham gia cúng mà do họ hàng hoặc hàng xóm những người có kinh nghiệm và uy tín trong họ thực hiện để báo cáo với ông bà  tổ tiên những thành quả mà gia đình làm được và mong đất trời, thần linh, tổ tiên cứu giúp, trừ giải những oan trái, bất hạnh, ban cho những điều may mắn, hạnh phúc. Cầu cho mưa thuận gió hoà, làm ăn ngày càng phát đạt. Sau đó tất cả đều đến tham gia múa nhiều điệu múa như múa chuông, múa rùa, múa kiếm, múa cờ v.v.. Trong các điệu múa thông thường có ít nhất từ 5 người trở lên, có thể là 7, hay 9 hoặc nhiều người hơn. Họ vừa múa và đọc những bài vè kể về truyền thống lịch sử khai sơn, lập địa của cha ông xưa, những câu chuyện chống giặc ngoại xâm hay những bài thơ răn dạy con cháu ….

Những người tham gia múa là nam giới không phân biệt tuổi già hay tuổi trẻ hoặc vùng miền. Tất cả đều tham gia nhảy múa sôi nổi.  Trong suốt thời gian nhảy, chủ nhà mổ lợn, gói bánh, làm cỗ để đãi khách. Họ vừa cúng, vừa uống rượu, ăn cỗ, múa hát thay phiên nhau liên tục từ 2 – 3 ngày… Tết Nhảy của người Dao còn là một lễ hội,  một ngày vui mà mọi người, không phân biệt, kể cả bạn bè và khách đều có thể cùng vào nhảy múa vui vẻ, cùng ước mong về những điều tốt đẹp.  Tết Nhảy với các loại hình nghệ thuật dân gian, nghệ thuật nhảy múa, nghệ thuật âm nhạc, ngôn ngữ, trang trí, tạo hình, may mặc được phô diễn phong phú và đặc sắc. Tết Nhảy bao hàm hầu hết những lễ thức, hình thức văn hoá dân gian dân tộc độc đáo, có tác dụng giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ cho mọi người, nhất là thế hệ người Dao trẻ. Trong không gian yên bình của bản làng, tiếng trống, tiếng chuông, tiếng thanh la của Tết Nhảy rộn vang núi rừng như thúc giục, gọi mời bè bạn, như níu chân những người trong cuộc./.