Vào những ngày này, mỗi gia đình chuẩn bị từ 3 đến 4 chục cặp bánh để bày trong mâm cỗ cúng tổ tiên. Công việc làm bánh “ đoàn kết trong ngày tết được giao cho chị em phụ nữ trong gia đình. Các bà, các mẹ, các chị xúng xính trong bộ váy áo dân tộc Mường cùng nhau ngồi lại chuẩn bị từng công đoạn làm bánh. Thành phần làm bánh. Gạo nếp được nghiền nhỏ, nhào nặn thật đều vừa đủ nước, nhân bánh được làm từ thịt lợn cùng các gia vị khác như hạt tiêu, hành và muối. Bánh được gói lại bằng lá chuối đã để héo, thân bánh hình thoi, dài và được gập lại thành từng cặp, mỗi cặp 2 chiếc, được buộc chặt lại bằng lạt giang. Bánh được mang đi hấp chín, sau khoảng thời gian từ 2 -3 h đồng hồ bánh chín mềm có vị thơm của gạo nếp nương, hòa cùng hương vị của lá chuối, mùi ngai ngái của thịt lợn, của hành, hạt tiêu. Tất cả quyện lại tạo nên một hương vị đặc trưng mà không có loại bánh nào có được. Khi hỏi về nguồn gốc của bánh, không còn ai nhớ bánh có từ bao giờ chỉ biết rằng tập tục làm bánh đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác và cho đến tận ngày nay.Bà : Nguyễn Thị Soan - Tổ 11 - phường Thịnh Lang – thành phố Hòa Bình chia sẻ : “Cứ mỗi lần vào dịp lễ tết, đặc biệt là tết độc lập hay tết cổ truyền là chị em phụ nữ chúng tôi ngồi lại cùng nhau gói bánh đoàn kết, nhà nào cũng có, nếu không là không có hương vị ngày lễ đâu, bánh tuy đơn giản nhưng đã có từ lâu đời, là một hàm ý sâu xa cho tình đoàn kết đấy ! Có như vậy mới giữ được cái gốc, cái hồn của dân tộc Mường mình ..”