Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 5.038 doanh nghiệp và HTX hoạt động trên địa bàn với số vốn đăng ký là 89.560 tỷ đồng. Hằng năm, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp trên 60% và GRDP của tỉnh, đóng góp nộp ngân sách Nhà nước chiếm 47% đến 60% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 84.000 người lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, phần lớn doanh nghiệp ở tỉnh có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, trình độ quản lý doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao. Môi trường đầu tư, kinh doanh, công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Khắc phục những hạn chế trên, nhằm phát triển đội ngũ doanh nhận tỉnh lớn mạnh về số lượng, chất lượng, ngày 09/5/2024, BTV Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 30-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Mục tiêu của Chương trình nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh ngày càng lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội, đủ năng lực trình độ để lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, có trên 6.000 doanh nghiệp và trên 700 HTX hoạt động hiệu quả. Đến năm 2045, Hòa Bình là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; các doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm quốc gia, giữ vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp trong nước, có khả năng tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Chương trình hành động gồm 7 Chương trình cụ thể: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân; triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến đội ngũ doanh nhân; rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến; phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong thời gian tới; xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển; tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân và trí thức; phát huy vai trò của các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, công đồng doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.
BTV Tỉnh ủy giao các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội từ tỉnh đến cơ sở tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 41-NQ/TW và Chương trình hành động này đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị mình.
Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách của tỉnh về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân đảm bảo thực hiện đồng bộ, hiệu quả và đúng quy trình của pháp luật, tăng cường giám sát việc thực hiện.
Ban Cán sự UBND tỉnh lãnh đạo việc xây dựng Kế hoạch để tổ chức thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW và Chương trình hành động này. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, đảm bảo tính khả thi để triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra.
Đảng đoàn MTTQ VN tỉnh lãnh đạo xây dựng Chương trình, kế hoạch giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW và Chương trình hành động này.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh tuyên truyền, nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện./.