DetailController

Chỉ đạo điều hành

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp công tác tài chính ngân sách những tháng cuối năm 2024

16/08/2024 16:45
Ngày 16/8/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1376/UBND-KTTH gửi Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố yêu cầu về việc nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác tài chính ngân sách những tháng cuối năm 2024.

Trong những tháng đầu năm 2024, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, kịp thời của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng hành, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phục hồi và tăng trưởng.  Nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong những tháng đầu năm đã đạt được một số kết quả quan trọng, thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và so với cùng kỳ ; chi ngân sách cơ bản đáp ứng được hoạt động của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; cán bộ, công chức và người lao động được hưởng mức tiền lương cơ sở mới từ ngày 01/7/2024 ; nguồn lực để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội được đảm bảo;... Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế như: tỷ lệ nợ đọng thuế còn cao ; thu tiền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp ; nguồn lực huy động từ đất đai chưa được sử dụng kịp thời, hiệu quả ; sản lượng điện sản xuất của Công ty Thủy điện Hòa Bình những tháng đầu năm đạt thấp ; Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, như giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024 ; gia hạn thời hạn nộp thuế; giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm tiền thuê đất, mặt nước ;… sẽ tác động tiêu cực đến thu ngân sách nhà nước.

Để hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, tạo điều kiện thuận lợi để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cũng như cả giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 12/01/2024 của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN tỉnh Hòa Bình năm 2024; Quyết định số 424/QĐ-UBND ngày 22/3/2024 của UBND tỉnh về phê duyệt nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố; Kế hoạch số 40/KH-BCĐ ngày 16/02/2024 của Ban Chỉ đạo đôn đốc thu, nộp NSNN tỉnh Hòa Bình về hoạt động năm 2024; Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 03/6/2024 của UBND tỉnh về công tác thu NSNN năm 2024.

Hai là, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu phát sinh theo quy định; chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; triệt để xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh,... tham mưu, đề xuất xử lý các dự án nợ tiền sử dụng đất kéo dài. Cả hệ thống chính trị chung tay, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024, để có nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2025 cũng như các năm tiếp theo.

Ba là, quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh; phát huy đầu tư công để kích hoạt, dẫn dắt và thúc đẩy đầu tư; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân. Triển khai kịp thời, hiệu quả quy hoạch tỉnh, các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt với các nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn hoàn thành cụ thể, bảo đảm dễ thực hiện, dễ theo dõi, dễ kiểm tra, dễ giám sát; tập trung hoàn thành phê duyệt các quy hoạch còn lại; tập trung nguồn lực cho công tác quy hoạch.

Bốn là, chủ động, quyết liệt đẩy mạnh công tác phối hợp, phát huy trách nhiệm người đứng đầu của các cấp chính quyền; Sở, Ban, Ngành chuyên môn trong việc triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn theo thẩm quyền đã được phân cấp và chức năng, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội. Chú trọng rà soát, điều chỉnh, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên danh mục các dự án, nội dung thành phần về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả; tránh dàn trải, manh mún.

Năm là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính - ngân sách; tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá theo Công điện số 61/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Quản lý chi ngân sách theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Phấn đấu tăng thu ngân sách, các nguồn thu sự nghiệp để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách Nhà nước đã ban hành, giảm yêu cầu hỗ trợ từ ngân sách. Tập trung đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội gắn với tiền lương theo Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị. Các huyện, thành phố chủ động sử dụng dự phòng và các nguồn lực hợp pháp để xử lý các nhiệm vụ chi phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi đột xuất, cấp bách phát sinh theo quy định, chỉ đề xuất ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ sau khi đã sử dụng hết các nguồn lực tại địa phương.

Sáu là, chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025 - 2027, kế hoạch tài chính 05 năm địa phương giai đoạn 2026 - 2030, trên cơ sở bám sát các yêu cầu, nội dung tại các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Chỉ thị của UBND tỉnh, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và mang tính khả thi.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.