Tổng số các xã, phường, thị trấn, thôn, xóm trên toàn tỉnh là 145 xã, trong đó: 74 xã Khu vực I, 12 xã khu vực II, 59 xã khu vực III và 86 thôn, xóm, bản ĐBKK theo Quyết định số 612/QÐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc. Theo mục tiêu giai đoạn 2021-2025 giảm 33 số xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 50% số thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 và Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 Thủ tướng Chính phủ. Theo Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu nguồn lực để tỉnh thực hiện là 9.693.875 triệu đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn được Trung ương đã giao và dự kiến giao cho tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn 2021 - 2025 là 2.793.817 triệu đồng, đáp ứng 28,82% nhu cầu. Tính đến ngày 31/10/2023, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2022, 2023 đã giải ngân là 417.757 triệu đồng; trong đó: vốn đầu tư 272.231//635.706 triệu đồng, bằng 42,82% kế hoạch giao; vốn sự nghiệp 145.526/601.434 triệu đồng, bằng 24,20% kế hoạch giao. Bằng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình và các nguồn vốn khác toàn tỉnh đã có 08/59 xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đồng thời thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn lại 51 xã đặc biệt khó khăn. Đối với mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là từ 2,53,0%. Kết quả thực hiện tỷ lệ giảm nghèo vùng DTTS trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2023 là 2,93%, tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 6,39%/năm.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích nguyên nhân dẫn tới khó khăn trong triển khai thực hiện chương trình. Trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là Chương trình có 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung đầu tư khác nhau được tích hợp từ nhiều chính sách dân tộc, do đó cần nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mang quan điểm đầu tư tổng thể quy mô lớn với nhiều dự án, tiểu dự án thành phần có mối liên quan chung với Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 dẫn đến ảnh hưởng chậm ban hành các cơ chế, tổ chức thực hiện Chương trình. Nguồn vốn sự nghiệp hàng năm phân bổ chi tiết cho từng dự án, nội dung chi gây khó khăn cho tỉnh cân đối để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Một số nội dung thực hiện của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn, hoặc có sự chồng chéo, chưa rõ ràng giữa các văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo thực hiện tại một số địa phương, đơn vị còn chưa sát sao, chậm trễ; công tác phối hợp chưa chặt chẽ dẫn tới việc triển khai chính sách chưa kịp thời.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đây là chương trình MTQG có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; với mục tiêu rút ngắn khoảng cách đời sống giữa miền ngược và miền xuôi, đưa kinh tế - xã hội vùng miền núi ngày càng phát triển, nâng cao mức sống của người dân. Qua hai năm triển khai thực hiện, tới nay mới có 03 địa phương giải ngân được trên 50% vốn theo kế hoạch, 7 địa phương giải ngân dưới 50%. Qua thực tế đánh giá cho thấy muốn thành công cần phải có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, phải sát sao chỉ đạo, nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương và có cách triển khai cho phù hợp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu thời gian tới cần triển khai một số nội dung trọng tâm, trong đó quan trọng nhất phải quan tâm triển khai thực hiện chính sách về hỗ trợ nhà ở cho người dân, phải rà soát, tính toán lại và đẩy nhanh tiến độ triển khai chính sách. Tiếp đó, quan tâm ổn định dân cư, đặc biệt các điểm dân cư mất an toàn do ảnh hưởng thiên tai; quan tâm tạo sinh kế bền vững cho người dân; phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục. Để làm được những việc trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương, đơn vị cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với 03 chương trình MTQG. Đề nghị các địa phương ngay sau hội nghị này phải tổ chức hội nghị với UBND cấp huyện để nắm tình hình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại địa phương mình. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong phối hợp thực hiện. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chương trình này, vướng mắc ở đâu báo cáo ngay để tháo gỡ tới đó. Thực hiện phân công, phân nhiệm và tích cực phối hợp trong triển khai thực hiện. Chú trọng công tác rà soát, khảo sát, đánh giá ngay từ bước chuẩn bị đầu tư, tránh gây lãng phí hoặc không phù hợp với thực tế địa phương dẫn tới khó khăn trong giải ngân vốn. Tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trong giám sát thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025./.