DetailController

Tin từ các đơn vị

Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ OCOP

14/01/2021 00:00
Sau 2 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020. Đến nay, Chương trình đã lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị, nhận thức của cán bộ và người dân về tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm OCOP được nâng lên; các vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao hình thành và mở rộng, góp phần mạnh mẽ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Phấn đấu hết năm 2021, toàn tỉnh có thêm ít nhất 20 danh mục sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và 40 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP.

Hàng năm, từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn lực khác, tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể, sản phẩm trang thiết bị phục vụ sản xuất; khoảng 30.000 bao bì, nhãn mác; hơn 786 tem truy xuất nguồn gốc; cấp 63 giấy đăng ký sở hữu trí tuệ cho 63 chủ thể có sản phẩm đạt OCOP; hỗ trợ phát triển liên kết theo chuỗi giá trị... Tính đến ngày 26/11/2020, toàn tỉnh có 58 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt và vượt 8 sản phẩm so với kế hoạch đề ra. Ước đến ngày 15/12/2020, có 73 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, vượt 23 sản phẩm so với kế hoạch. Hội đồng đánh giá cấp tỉnh đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP lần 1 cho 31 sản phẩm của 27 chủ thể. Dự kiến đến cuối năm 2020, có khoảng 46 sản phẩm của 40 chủ thể đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm còn gặp một số tồn tại, hạn chế, như: Hệ thống văn bản hướng dẫn từ Trung ương và tỉnh chưa đầy đủ; đội ngũ cán bộ quản thực hiện ở các cấp chưa tập trung cho việc phát triển các sản phẩm OCOP; các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất chưa quan tâm nhiều đến việc tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì và đăng ký tham gia nhãn hiệu tập thể; một số sản phẩm nông nghiệp có tính thời vụ không thể tham gia đánh giá trong kỳ,...

Do đó, trong thời gian tới, tỉnh tập trung nhiều biện pháp nhằm phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP cả về các sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu và các sản phẩm tiềm năng. Phấn đấu đến hết năm 2021, có thêm ít nhất 20 danh mục sản phẩm, dịch vụ tham gia chương trình được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và 40 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP.

Đối với các sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa được phân thành 5 nhóm: Nhóm thực phẩm, nhóm đồ uống, nhóm sản phẩm thảo dược, nhóm vải may mặc và sản phẩm lưu niệm- nội thất- trang trí và nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng động- điểm du lịch. Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên lựa chọn, nâng cấp các sản phẩm nổi bật, đã đăng ký công bố chất lượng. Tiến hành hỗ trợ các chủ thể về trang thiết bị phục vụ sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ. Tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đối với các sản phẩm thế mạnh, như: cây có múi, cá Sông Đà, mật ong, các sản phẩm từ chè và trà... Các sản phẩm lưu niệm được thiết kế kiểu dáng tiện dụng cho du khách mua sắm như: Thổ cẩm Chiềng Châu, thổ cẩm Bản Lác, thổ cẩm Bản Sưng,... Xác định phát triển du lịch cộng đồng là thế mạnh, các địa phương cần phát triển sản phẩm theo hướng tạo liên kết tua, tuyến và gắn phát triển làng nghề và các sản phẩm OCOP, tạo thành điểm đến thú vị và bổ ích, đồng thời quảng cho cho du khách các sản phẩm của tỉnh.

Đối với các sản phẩm tiềm năng, tỉnh đã khuyến khích các huyện, các xã lựa chọn các sản phẩm, đặc trưng, đặc sản của địa phương, sản phẩm truyền thống có nguy cơ bị thất truyền để hỗ trợ khôi phục, phát triển và phấn đấu tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Đưa các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Lồng ghép, thu hút, các nguồn lực khác hỗ trợ các tổ chức kinh tế, làng nghề củng cố và phát triển và đa dạng hóa sản phẩm./.