DetailController

Thời sự trong ngày

Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

28/03/2022 00:00
Tỉnh Hòa Bình có gần 75% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chiếm phần đông là dân tộc Mường. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình, dự án đầu tư đã được triển khai, làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn miền núi.
Thời gian qua, hạ tầng giao thông miền núi được đầu tư đáng kể, góp phần thông thương và phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian qua, hàng loạt các chương trình, dự án được triển khai như: các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Đề án 03 về củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN 2 xã Hang Kia, Pà Cò; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số…. Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2214/QĐ-TTg; Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản khó khăn nhất tỉnh đến năm 2020 theo Kế hoạch số 53/KH-UBND, ngày 29/3/2019 của UBND tỉnh, tổng kinh phí 10.000 triệu đồng…Qua các chương trình, dự án đã từng bước góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Đến nay, thu nhập bình quân tại các xã đặc biệt khó khăn đạt 25,2 triệu đồng/người/năm, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 3%/năm; năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn còn 23,12%. Thu nhập bình quân vùng dân tộc thiểu số đạt khoảng 45% so với bình quân chung của tỉnh.

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảo bảo an sinh xã hội góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả tỉnh. Trong Nghị quyết 47/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Thông qua Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh đã đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân mỗi năm giảm 2,5-3%, trong đó các xã đặc biệt khó khăn bình quân mỗi năm giảm từ 4-4,5%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Trong đó tạo sự chuyển biến tích cực về hạ tầng: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông xi măng; 90% thôn, xóm có đường giao thông từ xã đến thôn, xóm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số xã có điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng phục vụ Nhân dân; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe Đài Truyền thanh. Từng bước xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, dột nát.

Phấn đấu bảo đảm an sinh xã hội: Tới năm 2025 tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99,9%; trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia Bảo hiểm Y tế; khoảng 63% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số. Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; trên 80% thôn, xóm có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

Dự kiến huy động trên 9.600 tỷ đồng để thực hiện Đề án. Trong đó yêu cầu thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; tập trung đầu tư cho các xã có điều kiện thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, các xã, thôn, xóm khó khăn nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, dân tộc thiểu số khó khăn nhất để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025./.