DetailController

Kinh tế

Tập trung mở rộng quy mô chế biến nông lâm thủy sản

21/04/2022 00:00
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, sản và thủy sản (Sở NN&PTNT), hiện trên địa bàn tỉnh có tổng số 102 cơ sở chế biến thực phẩm nông lâm, thủy sản, bao gồm: 20 cơ sở chế biến có nguồn gốc thực vật, 78 cơ sở chế biến có nguồn gốc động vật, 04 cơ sở chế biến có nguồn gốc thủy sản. Trong đó 96 sơ sở chế biến quy mô siêu nhỏ, 05 cơ sở chế biến quy mô nhỏ, 01 cơ sở chế biến quy mô lớn.

Đối với cơ sở chế biến có nguồn gốc thực vật, hiện có 20 cơ sở chế biến, sản lượng sản phẩm trung bình hàng năm là 8.000 tấn, trong đó có 01 cơ sở quy mô lớn, 05 cơ sở quy mô nhỏ, và 14 cơ sở quy mô siêu nhỏ. Các sản phẩm được sản xuất như: Chè, măng, trà các loại, các loại rau củ muối….Nguyên liệu dùng trong chế biến được sản xuất trên địa bàn tỉnh là 3.916 tấn, thu mua từ tỉnh ngoài là 4.379 tấn.

Có tổng số 78 cơ sở chế biến có nguồn gốc động vật, tổng sản lượng trung bình hàng năm được sản xuất là 161,2 tấn/năm. Trong đó 100% số cơ sở sản xuất có quy mô siêu nhỏ, sản phẩm chủ yếu là giò giả, xúc xích, dăm bông. Theo số liệu thống kê, sản lượng nguyên liệu được đưa vào chế biến là 174,55 tấn/năm, chủ yếu là sản phẩm thịt lợn và 100% nguồn nguyên liệu được lấy trên địa bàn tỉnh. Tổng sản lượng chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh là 31.970 tấn/năm. Do vậy tỷ lệ nguyên liệu được đưa vào chế biến chiếm 0,55%. Sản lượng thịt lợn còn lại được bán ra thị trường dưới dạng tươi sống qua các đầu mối thu mua và tại các chợ dân sinh.

Có tổng số 04 cơ sở chế biến nguồn gốc thủy sản, tổng sản lượng sản phẩm trung bình hàng năm được sản xuất là 17,2 tấn/năm. Trong đó 100% số cơ sở sản xuất có quy mô siêu nhỏ, sản phẩm chủ yếu là chả cá, cá kho…Theo số liệu thống kê, sản lượng nguyên liệu được đưa vào chế biến là 17,2 tấn/năm và 100% nguồn nguyên liệu được lấy trên địa bàn tỉnh; tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh là 9.700 tấn/năm. Do vậy tỷ lệ nguyên liệu được đưa vào chế biến chiếm 0,2%. Sản lượng còn lại được bán ra thị trường dưới dạng tươi sống, nguyên con.

Nhìn chung, số cơ sở quy mô siêu nhỏ chiếm tỷ lệ khá cao (94,11%), tập trung vào nhóm sản phẩm chế biến có nguồn gốc động vật như: giò, chả, xúc xích; số cơ sở quy mô lớn chiếm tỷ lệ thấp (0,98%); số cơ sở quy mô nhỏ chiếm tỷ lệ thấp (4,9%). Số cơ sở sản lượng lớn và sử dụng nguồn gốc thực vật như: Chế biến măng, chế biến chè, chế biến gừng, dưa chuột và cháo sen các loại. Tỷ lệ nguyên liệu được đưa vào chế biến được sản xuất trên địa bản tỉnh là khá thấp.

Việc thu mua nguyên liệu cho quá trình chế biến một số sản phẩm như măng, chè, gừng, dưa chuột còn gặp khó khăn, do: Chưa có nhiều đầu mối thu gom và cung cấp cho các nhà máy chế biến; các hộ trồng, thu hoạch thường bán cho các thương lái hoặc tự bán tại các chợ dân sinh hoặc tự chế biến thành sản phẩm bán nhỏ lẻ ra thị trường. Chủng loại sản phẩm măng trên địa bàn tỉnh chưa đa dạng, do vậy chưa đáp ứng được nhu cầu chế biến của các công ty, các công ty phải thu mua tại các tỉnh khác mới đáp ứng được yêu cầu về sản phẩm. Các công ty măng chưa có vùng nguyên liệu ổn định trên cơ sở có sự liên kết giữa nhà máy và người trồng, dẫn đến việc thu mua nguyên liệu chưa ổn định hàng năm và giá cả bấp bênh theo thị trường. Người dân chưa quan tâm và chủ đồng trồng các loại nguyên liệu để cung cấp vào nhà máy chế biến. Ngoài ra, sản phẩm chế biến nông lâm sản của tỉnh chưa phong phú, mẫu mã chưa hấp dẫn, khối lượng sản phẩm hàng hóa chưa lớn, phát triển thương hiệu chưa được chú trọng.

Để phát triển ngành chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh, thời gian tới tỉnh cần tập trung phát triển chế biến gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, gắn với vùng nguyên liệu nông nghiệp và phù hợp với thị trường tiêu thụ. Tạo ra các mặt hàng có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh cao, lựa chọn sản phẩm có lợi thế của tỉnh như: chè, gừng, dưa chuột, cá…Đầu tư mở rộng quy mô và nâng cấp cơ sở chế biến đảm bảo yêu cầu công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, an toàn với môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; có quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu; tạo được sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh thị trường và giải quyết được nhiều việc làm ổn định cho lao động địa phương. Cùng với đó phát triển các vùng nguyên liệu của địa phương phục vụ cho chế biến, đầu tư xây dựng hạ tầng tại các vùng nguyên liệu như: đường giao thông, trại giống…Đẩy mạnh thâm canh để vừa tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, vừa bảo đảm chất lượng nguyên liệu./.