DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai và tái thiết, ổn định đời sống nhân dân

29/01/2018 00:00
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hòa Bình trong cuộc họp kiểm điểm công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai năm 2017 diễn ra vào sáng 28/1, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh tiếp tục phân công cán bộ tới những vùng bị ảnh hưởng thiên tai để thăm hỏi, động viên, kịp thời chăm lo đời sống cho nhân dân, bên cạnh đó khẩn trương tổng rà soát và sửa chữa lại hệ thống thiết chế các công trình bức thiết nhằm tái thiết và ổn định đời sống nhân dân sau mưa lũ. Tiếp và làm việc với đoàn tại buổi làm việc có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ngành hữu quan.
Đoàn công tác trao quà cho các hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai năm 2017

Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch đã báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác về kết quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vào tháng 10/2017. Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã gây tổn thất nặng nề và hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng. Trước và trong thiên tai, tỉnh đã kịp thời, chủ động chỉ đạo thực hiện PCTT&TKCN. Tuy nhiên do diễn biến thời tiết bất thường và khó lường nên thiên tai vẫn gây những tổn thất nặng nề, nghiêm trọng. Tỉnh Hòa Bình đã có 42 người chết và mất tích, thiệt hại trên 6.600 ngôi nhà, nhiều công trình giao thông, thủy lợi....bị hư hỏng nghiêm trọng, ước tính tổng thiệt hại trên 2.800 tỷ đồng. Sau thiên tai, toàn bộ lực lượng trong tỉnh đã tích cực tập trung khắc phục hậu quả, trong đó chú trọng tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ an sinh, nhà ở, tái định cư, khôi phục hạ tầng, tái sản xuất.

Sau thiên tai, qua đánh giá toàn tỉnh Hòa Bình có trên 150 điểm sạt lở với 1.680 hộ bị sạt lở và nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao phải di dời. Tỉnh đã gấp rút thực hiện và vận động các hộ dân di dời tới nơi an toàn. Triển khai xây dựng 12 khu tái định cư, tới nay không còn hộ phải sống ở lều bạt và khu ở tạm. Tỉnh cũng đã xây dựng đề án tổng thể di dân, TĐC cấp bách do thiên tai trình các bộ, ngành Trung ương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thực hiện.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã kiến nghị đoàn công tác báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ tỉnh một số nội dung cấp bách để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai. Trong đó, đề nghị ưu tiên hỗ trợ kinh phí di dân khẩn cấp tái định cư cho các hộ dân bị thiên tai với kinh phí trên 420 tỷ đồng; hỗ trợ khắc phục sạt lở đất khu vực phía đông đồi ông Tượng và ven quốc lộ 6 tại tổ 4, phường Thái Bình, tổ 4 và tổ 5 phường Chăm Mát (thành phố Hòa Bình) khoảng 250 tỷ đồng. Để ổn định sản xuất lâu dài, tỉnh cũng đề nghị Bộ hỗ trợ xây dựng nhà máy chế biến hoa quả tại địa bàn huyện Cao Phong với quy mô dự kiến 100.000 tấn sản phẩm/năm trở lên.

Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao đổi làm rõ thêm một số vấn đề. Trong đó đề nghị đoàn công tác xem xét, hỗ trợ tỉnh tháo gỡ khó khăn trong nội dung quan trọng và cấp bách nhất là khắc phục sạt lở khu vực phía đông đồi ông Tượng (thành phố Hòa Bình) trước mùa mưa năm 2018. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề xuất Bộ NN&PTNT xem xét xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển đất lúa sang đất trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn đối với tỉnh Hòa Bình cũng như đặc thù các tỉnh miền núi phía bắc; hỗ trợ tỉnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

            Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương những nỗ lực rất cao của tỉnh Hòa Bình trong công tác ứng phó, xử lý và khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ trưởng đánh giá năm qua là năm thiên tai nặng nề chưa từng thấy trong lịch sử, thiên tai xảy ra bất thường, trên diện rộng và gây hậu quả nặng nề. Trong năm qua nước ta chịu 16 cơn bão, 4 đợt áp thấp, 4 lần phải cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai, mưa nhiều và lớn chưa từng thấy, cả nước có 386 người thiệt mạng do thiên tai. Trong đó tỉnh Hòa Bình là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng, có 42 người chết và mất tích, thủy điện phải xả lý 6 lần/năm, có lần xả tới 8 cửa. Trong hoàn cảnh đó, tỉnh đã tuân thủ rất tích cực các chỉ đạo, vào cuộc chủ động trong công tác xử lý tình huống, tuyên truyền vận động nhân dân để thực hiện các chủ trương lớn nhằm ứng phó với thiên tai. Sau thiên tai, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh đã khẩn trương, kịp thời tổ chức xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai, trực tiếp các đồng chí lãnh đạo đã đi thực địa để chỉ đạo khắc phục hậu quả, tái thiết đời sống, thăm hỏi và động viên nhân dân. Bộ trưởng cũng đề nghị ngay trước mắt trước Tết Nguyên đán 2018 tỉnh cần tiếp tục phân công cán bộ tới những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, tiếp tục thăm hỏi, động viên, kịp thời chăm lo đời sống cho nhân dân. Bên cạnh đó khẩn trương tổng rà soát lại hệ thống thiết chế các công trình bức thiết như đường xá, trường học, trạm y tế....để kịp thời báo cáo, đề xuất sửa chữa, tái thiết. Trên lĩnh vực nông nghiệp, phải sửa chữa, xây dựng lại các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất; đồng thời tập trung chỉ đạo thật tốt sản xuất vụ đông xuân 2018, trong chăn nuôi đặc biệt chú ý kiểm soát dịch bệnh trong điều kiện thời tiết đông xuân.

            Đối với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng đồng ý ưu tiên vốn đối với những công trình hạ tầng bức thiết. Đối với việc khắc phục sạt lở đất khu vực phía đông đồi ông Tượng và ven đường 6, Bộ trưởng giao ngay sau Tết Nguyên đán sẽ cử một đồng chí Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lên làm việc với tỉnh Hòa Bình để họp bàn lại, đánh giá hiện trạng khách quan nhằm sớm báo cáo, đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý.

Đối với những nội dung liên quan tới sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng đánh giá cao tiềm năng và lợi thế của tỉnh Hòa Bình trong phát triển cây ăn quả có múi. Bộ trưởng cho rằng tỉnh hoàn toàn có thể làm giàu từ nông sản, do đó cần quan tâm quy hoạch tổng thể phát triển cây ăn quả, quy hoạch khu vực dành cho xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ cây ăn quả, ngay sắp tới cần tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào sản phẩm nông nghiệp. Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh cần tập trung phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, xây dựng tỉnh Hòa Bình thành vùng ven đô Hà Nội xanh - sạch - đẹp thu hút khách du lịch.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng tiếp thu và cảm ơn những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng. Tỉnh sẽ nỗ lực cao nhất tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai, chỉ đạo tổ chức sản xuất, tái thiết và ổn định đời sống nhân dân.

Tang tuong phan Giam tuong phan
Đánh giá bài viết

0.0/5 (0 Lượt đánh giá)