Đến nay, toàn tỉnh có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 62%; 28 xã nông thôn mới nâng cao, đạt 21,7%; một xã nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã. Như vậy, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 85,7% kế hoạch Trung ương giao giai đoạn 2021 - 2025; đạt 68,8% kế hoạch của tỉnh đề ra.
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo thực chất, bền vững, phấn đấu hoàn thành mục tiêu được giao của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình theo Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 03/4/2023. Ngày 17/9/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 1644/UBND-KTTH về việc tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, tỉnh tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, thị xã/thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới do Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố đã đăng ký đạt được trong năm 2024 và giai đoạn 2021-2025.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, nâng cao chất lượng thẩm tra, thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo thẩm quyền được phân cấp tại Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 và Quyết định số 03/2024/QĐ-TTg ngày 07/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó chú trọng công tác thẩm tra, thẩm định các xã cần đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Bộ tiêu chí và chất lượng đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra, thẩm định và công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; nghiêm túc chấn chỉnh không để xảy ra tình trạng nợ tiêu chí hoặc thiếu các chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí về xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu… Đối với các đơn vị cấp huyện đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cần rà soát để đảm bảo chất lượng tiêu chí các xã và tiêu chí cấp huyện, nhất là các tiêu chí về quy hoạch, môi trường, nước sạch và tổ chức sản xuất ở nông thôn. Công tác tổ chức thẩm tra cần đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, phải có sự phối hợp chặt chẽ và chịu trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan. Tiếp tục chú trọng, quan tâm đến công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Công tác duy trì bền vững kết quả và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới sau đạt chuẩn.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện các chương trình chuyên đề, đặc biệt là tiến độ xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai các mô hình thí điểm, đảm bảo chất lượng, hiệu quả gắn với mục tiêu của các chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Ưu tiên triển khai, hỗ trợ nâng cao năng lực, phát triển các sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với lợi thế của từng địa phương; nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp, đặc biệt là cấp huyện, tránh tình trạng chạy theo thành tích. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP sau khi được công nhận nhằm nâng cao uy tín, giá trị sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nông thôn; quan tâm mở rộng mạng lưới cung cấp và đảm bảo chất lượng nước sạch nông thôn. Tăng cường thực hiện phân loại chất thải tại hộ gia đình và công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt; kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải; tiếp tục xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình chuyên đề về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai Chương trình. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được giao đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật. Không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, làm thất thoát tài sản, gây bức xúc trong dự luận. Phấn đấu đến hết năm 2024 giải ngân 100% vốn thực hiện Chương trình được giao. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ thực hiện 6 Chương trình chuyên đề, nhất là các mô hình chỉ đạo điểm của Trung ương; kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình đã đạt chuẩn, để đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn.
Phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn. Chú trọng đến kết quả lấy ý kiến hài lòng của người dân trong xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có giải pháp khắc phục đối với từng vấn đề cụ thể được người dân quan tâm, phản ánh.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu đối với các xã, huyện sau khi công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình./.