DetailController

Kinh tế

Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Mùa, vụ Hè thu năm 2022

28/06/2022 00:00
Ngày 24/6/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 1688/SNN-TTBVTV về việc tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Mùa, vụ Hè thu năm 2022.

Theo kế hoạch sản xuất vụ Mùa, vụ Hè thu năm 2022, toàn tỉnh gieo trồng 43.458 ha cây hàng năm (trong đó gieo cấy 21.525 ha lúa; 11.085 ha ngô; 4.338ha rau, đậu các loại và 6.510 ha cây hàng năm khác). Đến nay, lúa mùa trà sớm đang trong giai đoạn cấy - bén rễ hồi xanh, diện tích đã cấy khoảng 2.000 ha, đạt 9,3% kế hoạch; trà chính vụ, trà muộn đang ngâm ủ - gieo mạ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và kết luận của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2021- 2022; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè thu, vụ Mùa và định hướng vụ Đông 2022 của các tỉnh phía Bắc”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương trong tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Sở chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa và cây màu vụ xuân còn lại khi đã đủ độ chín, giải phóng đất phục vụ sản xuất vụ Mùa, vụ Hè Thu đảm bảo đúng tiến độ. Đẩy nhanh tiến độ làm đất; mở rộng tối đa những diện tích có thể đưa cơ giới hóa vào sản xuất như làm đất, làm mạ khay, máy cấy. Hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp bón vôi, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ, thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy tàn dư thực vật, cắt đứt nguồn sâu bệnh cho vụ sau và tránh hiện tượng ngộ độc hữu cơ gây vàng lá, nghẹt rễ trên lúa. Một số vùng sử dụng các giống lúa chuyển vụ (thu hoạch giống vụ Xuân chuyển sang làm giống vụ Mùa) cần xử lý phá ngủ nghỉ của hạt giống trước khi ngâm ủ (Các biện pháp áp dụng được ban hành tại Quy trình kỹ thuật sản xuất vụ Mùa, vụ Hè thu, vụ Đông năm 2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Cơ cấu giống lúa, ưu tiên lựa chọn những giống có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng gạo khá. Mỗi địa phương nên chon 2- 3 giống lúa chủ lực, gieo cấy tập trung theo vùng để thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Với những địa phương bố trí sản xuất 3 vụ/năm trồng cây màu vụ Đông ưa ấm cần bố trí cơ cấu giống lúa, thời vụ gieo cấy hợp lý để đảm bảo khung thời vụ cho sản xuất vụ Đông. Chủ động bố trí lượng giống dự phòng (bằng các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày) để gieo cấy bổ sung khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Trên các diện tích mạ đã gieo cần chủ động các giải pháp phòng trừ các đối tượng dịch hại nguy hiểm, đặc biệt chú ý phát hiện sớm bệnh lùn sọc đen (do rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh) để có biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả. Tăng cường chăm sóc, làm cỏ và bón phân cân đối cho diện tích lúa đã cấy. Thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại như: ốc bươu vàng, bọ trĩ, ngộ độc hữu cơ, tập đoàn rầy, chuột, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn… Những diện tích đất lúa đã có kế hoạch chuyển đổi sang trồng màu, cần tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các cây màu ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao, có đầu ra ổn định. Đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây màu vụ Hè Thu đảm bảo khung thời vụ, kết thúc trước 15/8/2022; áp dụng các biện pháp chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả. Với những diện tích trồng các loại rau ngắn ngày cần bố trí thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống hợp lý nhằm rải vụ thu hoạch, đảm bảo nguồn cung ổn định, hạn chế tình trạng dư thừa, mất giá. Tăng cường công tác tu bổ hệ thống kênh mương, hồ đập, phục vụ công tác tưới tiêu; chủ động phương án tiêu úng cho diện tích lúa và cây màu ở những chân ruộng trũng có nguy cơ ngập úng khi mưa lớn kéo dài.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chặt chẽ việc kinh doanh buôn bán vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để ngăn chặn hành vi tăng giá, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác dự tính dự báo dịch hại trên cây trồng; phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tuyên truyền hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết bất thuận đối với sản xuất. Trong trường hợp cần thiết, huy động tối đa lực lượng cán bộ tăng cường cho cơ sở để hỗ trợ công tác chỉ đạo sản xuất và phòng trừ dịch hại./.