Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức và xác định rõ quan điểm xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong những năm qua tỉnh Hòa Bình luôn sát sao lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để thực hiện chương trình. Các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cũng vào cuộc với quyết tâm chính trị cao. Đặc biệt, chủ thể chính thực hiện chương trình là cộng đồng dân cư và dựa vào nội lực của Nhân dân nên mọi việc luôn được triển khai thực hiện công khai, dân chủ để dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ. Phong trào thi đua "Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng NTM" đã được các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân tích cực hưởng ứng. Từng huyện, thành phố và các xã đã cụ thể hóa bằng việc phát động các phong trào thi đua gắn với điều kiện thực tế. Mỗi địa phương luôn coi trọng nhân rộng các điển hình và những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo nhằm lan tỏa trên diện rộng.
Với những tiềm năng và lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, Hòa Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn để biến những lợi thế đặc trưng của cộng đồng các dân tộc tạo ra sản phẩm hấp dẫn khách du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS; gắn phát triển du lịch với phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, để giữ vững thành quả đạt được trong xây dựng NTM, tỉnh sẽ xây dựng các chương trình du lịch mới gắn với lĩnh vực nông nghiệp tạo thành các tour, tuyến cho khách du lịch được khám phá, trải nghiệm tại địa phương...
Đặc biệt, để triển khai hiệu quả, thực chất chương trình xây dựng NTM, tỉnh cũng chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến đất, mở đường xây dựng NTM, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp hiện đại, an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy lợi thế của mỗi tiểu vùng để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số, công nghệ sinh học và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp... Đến nay, các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh từng bước khẳng định được chỗ đứng, giá trị trên thị trường trong và ngoài tỉnh.