Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị, trường học triển khai thực hiện một số nội dung: Tiếp tục tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh và của Sở GD&ĐT về xây dựng văn hóa trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên. Cụ thể: Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 06/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh, sinh viên tỉnh trên môi trường mạng” giai đoạn 2019-2025; Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 25/3/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2022 -2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 215/KH-UBND ngày 19/11/ 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”; Kế hoạch số 994 /KH-SGD&ĐT-CTTT ngày 07/5/2020 của Sở GD&ĐT về Triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025 tỉnh Hòa Bình”; Kế hoạch số 1967/KH-SGD&ĐT ngày 29/7/2022 của Sở GD&ĐT về Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2022-2030…
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, khuyến khích tinh thần tự đọc, tự học tạo cơ sở để người học cập nhật tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực, hoàn thiện bản thân. Giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; trang bị kỹ năng, định hướng nghề nghiệp cho người học; tôn trọng ý kiến học sinh, sinh viên, học viên; phát triển cho các em những phẩm chất yêu nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm. Tuyên truyền, giáo dục và triển khai các giải pháp thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả, thực chất 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng. Giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên, học viên về tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước; bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của cộng đồng các dân tộc; xây dựng, phát triển giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, phù hợp với thuần phong mỹ tục, đúng mục tiêu, sứ mệnh của nhà trường, của ngành. Đảm bảo công tác xây dựng văn hóa học đường là hoạt động thường xuyên, liên tục.
Đổi mới dạy và học môn Đạo đức, Giáo dục công dân, đổi mới sinh hoạt Đoàn, Đội. Xây dựng văn hóa học đường gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; giáo dục học sinh, sinh viên, học viên hình thành năng lực cảm thụ, đánh giá các giá trị văn hóa, truyền thống thông qua các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; có ý thức tiếp thu, gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Quan tâm, bồi dưỡng tâm hồn, lòng yêu nước cho các em học sinh, sinh viên, học viên thông qua các hoạt động trải nghiệm, các câu lạc bộ, hoạt động thể dục, thể thao trong và ngoài nhà trường. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chuẩn hóa, đảm bảo cơ sở vật chất, đáp ứng đổi mới giáo dục và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục. Quan tâm xây dựng mối quan hệ con người với con người; con người với tự nhiên trong môi trường giáo dục của nhà trường; phát huy vai trò nêu gương của người thầy, bảo đảm mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về tự học, đổi mới sáng tạo; đạo đức, lối sống, ý chí phấn đấu khát vọng cống hiến. Xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sáng tạo; bảo đảm mỗi ngày tới trường là một ngày vui; đổi mới tổ chức, hoạt động của thư viện gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh văn hóa đọc trong nhà trường./.