Hạ tầng kỹ thuật và các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị được đầu tư tương đối đồng bộ theo định hướng, quy hoạch; nguồn lực công nghệ thông tin được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, 100% cơ quan thuộc hệ thống chính trị của tỉnh đã được triển khai các hệ thống thông tin dùng chung để xử lý, trao đổi hồ sơ, văn bản điện tử trên môi trường mạng. Phần mềm quản lý văn bản của các cơ quan Nhà nước đã liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia để gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã. Hệ thống chứng thư số, chứng thực chữ ký số đã triển khai đến 100% cơ quan, tổ chức và cá nhân; trên 90% số văn bản (trừ văn bản mật, tối mật, tuyệt mật) đi, đến của các cơ quan Đảng được trao đổi, xử lý trên mạng; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị Nhà nước dưới dạng điện tử đạt 100%. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cơ bản được liên thông tới cấp xã; phòng họp không giấy tờ đã được triển khai tại các kỳ họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ tỉnh ủy và họp Ủy ban nhân dân tỉnh. Các phần mềm ứng dụng chuyên ngành được các ban, sở, ngành triển khai ngày càng rộng rãi hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi, xử lý văn bản điện tử trên môi trường mạng đã góp phần giảm văn bản, giấy tờ hành chính, tiết kiệm chi phí, thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời góp phần rút ngắn thời gian, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh còn yếu, việc triển khai một số dự án trọng điểm còn chậm; hệ thống thiết bị công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị phần lớn trang bị từ lâu đã xuống cấp và có cấu hình thấp chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời. Trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh không đồng đều.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện, sớm ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi, minh bạch, công khai và đảm bảo an toàn, an ninh của các hệ thống thông tin của tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thực hiện việc trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện để có biện pháp tháo gỡ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ điều hành của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tỉnh. Cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và đoàn thể các cấp tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền về yêu cầu tất yếu của việc ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức để không ngừng nâng cao nhận thức, kỹ năng điều hành, quản lý công việc của người đứng đầu cũng như cán bộ, công chức. Phấn đấu thực hiện tất cả hoạt động chỉ đạo, điều hành, triển khai hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trên môi trường mạng theo quy trình khép kín từ khâu tiếp nhận, xử lý, trình xin ý kiến, ký và phát hành văn bản, sử dụng chữ ký điện tử.
Bên cạnh đó, có chính sách thu hút, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các cơ quan trong hệ thống chính trị. Thường xuyên tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu công tác trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, đặc biệt là đối với cấp cơ sở. Phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại. Đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng và trong ứng dụng công nghệ thông tin./.