DetailController

Quốc phòng - An ninh

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và công tác thi hành án

29/12/2023 15:23
Thực hiện Kết luận số 24-KL/TU, ngày 31/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 02-CT/TU, ngày 28/10/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và công tác thi hành án, sau 03 năm triển khai, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác thi hành án. Tình hình an ninh chính tri, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được ổn định, không có tình huống đột xuất, bất ngờ, không có “điểm nóng” về an ninh trật tự; tình hình tội phạm được kiềm chế.
Những năm qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và thi hành án được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. các cấp, các ngành đã tổ chức trên 7.000 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phát động các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi, tổ chức các hội nghị tập huấn, phát tờ rơi về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội với trên 1,5 triệu lượt người tham gia. Xây dựng, đăng tải trên 11.000 tin, bài, ảnh, phóng sự, các chuyên mục pháp luật và đời sống trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin tư pháp, các website và các trang fanpage,...; tiếp nhận, trợ giúp pháp lý 1.927 vụ, tổ chức 208 đợt/245 điểm truyền thông trợ giúp pháp lý với trên 8.700 lượt người tham gia. Toàn tỉnh có1.483 tổ hoà giải với 10.011 hoà giải viên; tại các thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố có từ 01 đến 02 tổ hoà giải với 03 đến 05 hoà giải viên tham gia hoà giải 100% vụ việc phát sinh trong cộng đồng dân cư, số vụ việc hoà giải thành đạt trên 85% đã làm tốt vai trò hoà giải, ngăn chặn phát sinh mâu thuẫn trong gia đình, xã hội từ cơ sở. Đẩy mạnh phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, huy động sự tham gia của quần chúng nhân dân trong phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm; toàn tỉnh có 50 mô hình với 1.848 điểm mô hình hoạt động tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hoà giải ở cơ sở.

Lực lượng công an đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp nhiều giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; chủ động phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong thực hiện các nghị quyết, chương trình hành động về phòng chống tội phạm. Thời gian qua đã tiếp nhận 1.391 tin báo, tổ chức kiểm tra, xác minh, giải quyết 1.312 tin, hiện còn 79 tin đang trong thời gian xác minh, tỷ lệ giải quyết tin báo đạt 94,3%.  Phạm pháp hình sự đã xảy ra 2.212 vụ; điều tra khám phá 2.002 vụ, đạt tỷ lệ 90,5 %, trong đó điều tra khám phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là 98/99 vụ, đạt tỷ lệ 98,9%.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và thi hành án được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp của tỉnh đã thụ lý, giải quyết: Kiểm sát điều tra là 634 vụ/1.158 bị can; đã giải quyết 593 vụ/1.093 bị can, 100 % các vụ án truy tố đúng tội danh, đúng thời hạn theo luật định, không để xảy ra trường hợp đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can do không phạm tội. Tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung có trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân giảm  đã thể hiện năng lực của kiểm sát viên ngày càng được nâng cao. Kiểm sát xét xử sơ thẩm là 2.064 vụ/3.581 bị cáo; đã giải quyết 1.941 vụ/3.353 bị cáo, đạt 94%. Kiểm sát xét xử phúc thẩm là 256 vụ/384 bị cáo, đã giải quyết 248 vụ/375 bị cáo.

Trong thời gian từ ngày 01/01/2021 đến ngày 30/11/2023, Toà án nhân dân hai cấp tỉnh đã thụ lý 2.274 vụ án hình sự với 3.952 bị cáo, đã giải quyết 2.169 vụ/3.764 bị cáo, đạt tỷ lệ 95,38% số vụ và 95,24% số bị cáo. Toà án nhân dân hai cấp đã tập trung giải quyết các vụ án nhanh, gọn; dựa trên các tài liệu, chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên toà, các bản án được tuyên đúng người, đúng tội, đúng pháp luật có tác dụng giáo dục, cải tạo bị cáo và răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Công tác thi hành án được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, giảm nhiều các vụ việc, vụ án phức tạp, phải kéo dài. Trong kỳ đã thụ lý, giải quyết 10.275 việc/12.847 vụ việc, bản án có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 79,97 %; thi hành về tiền là 310.298,9 triệu đồng/ 2.220.766,5 triệu đồng, đạt tỷ lệ 13,97 %.

Trong thời gian tới tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp, một số tội phạm nghiêm trọng vẫn còn xảy ra với tính chất ngày càng nguy hiểm, manh động; tội phạm có yếu tố quốc tế, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao và trên không gian mạng có xu hướng ra tăng; tội phạm hình sự có tổ chức, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, thương mại ngày càng tinh vi, phức tạp; vi phạm pháp luật về sử dụng đất đai, bảo vệ tài nguyên môi trường diễn ra khó lường,... Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 02-CT/TU, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo, dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, nhất là các bộ luật, nghị định và văn bản hướng dẫn về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và thi hành án. Tổ chức tốt các hoạt động ngày 09/11 hằng năm “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để truyền đạt đến nhân dân hiểu, chấp hành pháp luật và chủ động mở rộng, nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ.

Cấp uỷ, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tăng cường chỉ đạo và thường xuyên thực hiện công tác tự kiểm tra nội bộ để phòng ngừa vi phạm pháp luật. Ngành thanh tra tăng cường thanh tra đối với những lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, chủ động phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm để kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật. Các cơ quan thanh tra, công an, viện kiểm sát, toà án, thi hành án và các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp trong phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật và phạm tội, nhất là đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực để cảnh tỉnh, răn đe với phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp của tỉnh thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng thời gian theo quy định, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung và sửa, huỷ án; tăng cường tổ chức các phiên toà xét xử lưu động tại địa bàn hay xảy ra tội phạm để tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân. Chấp hành nghiêm việc giao ban khối nội chính định kỳ và khi cần thiết để kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của thường trực cấp uỷ cùng cấp đối với những vụ việc, vụ án cần có sự lãnh đạo của cấp uỷ.

Đảng uỷ Công an tỉnh tham mưu để cấp uỷ kịp thời ban hành các văn bản để lãnh đạo các cấp uỷ, chính quyền tập trung thực hiện công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là đấu tranh với các loại hình tội phạm mới trên địa bàn. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra lực lượng công an cấp xã trong việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và trong tham mưu thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” ở cấp cơ sở.  Lãnh đạo kiện toàn, củng cố ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp và thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, đảm bảo 100% các bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật được đưa ra thi hành theo quy định.

Tăng cường giám sát việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chấp hành pháp luật. Uỷ Ban Mặt trận Tổ quốc lãnh đạo các tổ chức thành viên, đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và thi hành án. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Phát hiện, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhất là đối với các già làng, chức sắc tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc, vùng tôn giáo và những người có uy tín ở cơ sở tích cực vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và giữ vững an ninh ở cơ sở.

Các huyện, thành uỷ lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn nâng cao ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo và quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội, phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và công tác thi hành án. Xác định công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và công tác thi hành án là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành; người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền và Công an các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, chịu trách nhiệm trước hết về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn./.