Việc thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, đồng bộ, gắn với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các đơn vị trong việc thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, cơ quan, đơn vị và nhân dân được nâng cao. Từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và huy động sự tham gia đông đảo của các tầng lớp Nhân dân trong công tác kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa tiến tới không sử dụng túi ni lông khó phân huỷ sinh học và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong sinh hoạt; sử dụng sản phẩm đựng đồ được làm từ những nguyên liệu dễ phân huỷ trong môi trường như giấy, tre, nứa, cói..., sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần; tăng cường tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn. Liên hiệp Hội phụ nữ các cấp tuyên truyền, phát động phong trào và vận động các hội viên hội phụ nữ tích cực hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa”, tặng 1.789 chiếc làn nhựa và thùng đựng rác, xây dựng 105 hố rác, 32 lò đốt rác mi ni tại gia đình các hội viên. Hội Nông dân các cấp phát 230 chiếc làn nhựa và 30 thùng đựng rác cho hội viên của hội; huy động sự tham gia của các hội viên trong việc thu gom, phân loại các sản phẩm đã qua sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon để chuyển giao cho các đơn vị tái chế, tái sử dụng; tổ chức cho các hội viên, nông dân ký cam kết thực hiện phòng, chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Tại các cơ sở y tế, đã sử dụng trên 80% bao bì, túi nilon thân thiện với môi trường để chứa, đựng chất thải y tế phát sinh.
Ngành Công thương đã tuyên truyền, vận động các siêu thị, trung tâm thương mại... thực hiện chuyển đổi từ việc sử dụng bao bì, túi nilon khó phân hủy sang bao bì túi dễ phân hủy hoặc túi thân thiện môi trường. Hiện nay, tại siêu thị Vinmart một phần bao bì, túi được sử dụng tại siêu thị là bao bì, túi thân thiện môi trường; cửa hàng kinh doanh TokyoLife tại Hòa Bình cũng thực hiện hạn chế sử dụng túi nilon khi khách hàng tham gia mua sắm sản phẩm tại cửa hàng để bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn phát 440 chiếc làn nhựa cho người dân tại thành phố Hòa Bình; 270 kg túi nilon dễ phân hủy cho người dân và 03 Trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh đang duy trì 1.568 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật; các bể chứa hầu hết ở các khu vực sản xuất trồng trọt tập trung, gần trục giao thông nội đồng và thuận tiện cho người dân thu gom sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; 01 cơ sở lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật (huyện Mai Châu); 01 cơ sở đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại (huyện Lạc Thủy). Số lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật được thu gom khoảng 8.200kg, ước đạt khoảng 20% tổng lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sử dụng. Lượng chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt được thu gom, tái sử dụng, tái chế khoảng 800 tấn (chủ yếu là bao bì phân bón, lưới cước, màng phủ, túi bầu...).
Cùng với đó, 100% Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phong trào “chống rác thải nhựa”, “Chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa”, nguy cơ ô nhiễm nhựa, tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh thái cho cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh với nhiều nội dung, hình thức phong phú; đưa nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, phong trào chống rác thải nhựa tích hợp/lồng ghép vào các môn học và tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa trong các cấp học. Trong 3 năm, các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị -xã hội và địa phương đã tổ chức hơn 180 Hội nghị, lớp tập huấn, cuộc tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường ,chống rác thải nhựa, tác hại của chất thải nhựa cho các cơ sở, doanh nghiệp, cán bộ phụ trách môi trường, hội viên các hội (với 100-200 đại biểu/hội nghị); hơn 50 lớp với trên 1.500 lượt người tham gia về hướng dẫn sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; hơn 100 lớp với trên 4.000 người dân, hội viên tham gia vận động thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt./.