Theo đó, sau 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TU, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, sở, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang bằng nhiều hình thức đã tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đồng bộ, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hăng hái thực hiện các cuộc vận động do Trung ương và của tỉnh phát động, các cuộc thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, phát huy giá trị văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo lòng tin, sự đồng thuận của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, chưa gắn việc xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác hướng dẫn, theo dõi việc xây dựng, đánh giá hiệu quả của các mô hình, điển hình ở các địa phương, đơn vị chưa thường xuyên; một số mô hình, điển hình ở cơ sở hiện nay do tự phát nên tính bền vững chưa cao…
Những năm tới, tác động của tình hình kinh tế, xã hội, an ninh chính trị quốc tế và trong nước tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế, xã hội, đất nước ta cũng phải đối diện với những khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch, phản động, đối tượng cơ hội chính trị đang ra sức chống phá cách mạng nước ta, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Một số dự án có tiến độ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư kéo dài, làm chậm tiến độ, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Công tác tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan Nhà nước với nhân dân ở những địa bàn triển khai dự án còn hạn chế. Một số dự án chưa coi trọng việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo phương án đền bù và kế hoạch triển khai dự án. Hiệu quả, hiệu lực giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo chưa cao. Những thách thức đó đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Lãnh đạo việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của địa phương, cơ quan, đơn vị nhất là việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, “Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững”. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên; tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tăng cường, đổi mới công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” của các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp. Tập trung công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính, hoàn thiện nền hành chính phục vụ nhân dân. Công khai các danh mục thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, người dân trên website, cổng hành chính công của tỉnh, các sở, ngành; hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục trực tuyến và trực tiếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp huyện và cơ sở. Có giải pháp cụ thể, rõ người rõ việc nhằm nâng cao chất lượng thực chất chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI); đổi mới phương pháp đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS). Đổi mới lề lối làm việc, nâng cao chất lượng công vụ, chấn chỉnh thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và thực hiện phong cách: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Các cơ quan Nhà nước, nhất là những ngành, cơ quan, đơn vị thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc với người dân, doanh nghiệp cần công khai, minh bạch các quy định, thủ tục cụ thể về trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức để nhân dân biết và giám sát, kiểm tra việc thực hiện; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Tăng cường công tác nắm tình hình Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng triển khai các dự án trọng điểm; thường xuyên tổ chức đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc thuộc các lĩnh vực nhân dân quan tâm, bức xúc hiện nay như: Vấn đề an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, quản lý đất đai, quy hoạch, đề bù, giải tỏa, tái định cư…, không để xảy ra “điểm nóng”…
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Trung ương, của tỉnh phát động gắn với thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Thực hiện dân vận khéo trong xây dựng, nông thôn mới, đô thị văn minh, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp trong tham mưu triển khai thực hiện công tác dân vận. Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc hướng dẫn xây dựng, nhân rộng, duy trì và đánh giá hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” đảm bảo thực chất, phát huy tính bền vững, hiệu quả của các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” hằng năm; định kỳ tham mưu sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại các địa phương, đơn vị.../.