DetailController

Kinh tế

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030

28/06/2022 00:00
Ngày 27/6/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND về thực hiện Kế hoạch số 95-KH/TU ngày 28/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, phối hợp của các ngành, các cấp trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và hiệu quả. Xác định việc giảm nghèo nhanh, bền vững là góp phần quan trọng tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh; phát triển kinh tế phải gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm của sự phát triển.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị xác định rõ vai trò của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, người đứng đầu đối với công tác giảm nghèo bền vững; xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, hoàn thành mục tiêu chung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII “đến năm 2025 kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước”.

Kế hoạch chỉ rõ 5 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo; tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách về giảm nghèo; huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch này. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

Các sở, ban, ngành của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch cụ thể và đẩy mạnh việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại Phụ lục kèm theo kế hoạch. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị, Nghị quyết, kế hoạch thực hiện của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tới cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân hiểu, nắm được và đồng thuận thực hiện. Rà soát, tham mưu hoàn thiện các chính sách hỗ trợ về giảm nghèo của tỉnh theo hướng đổi mới cách tiếp cận, giảm chính sách cho không, tăng chính sách hỗ trợ gắn với có điều kiện của đối tượng thụ hưởng;

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, xây dựng Kế hoạch cụ thể và đẩy mạnh việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại Phụ lục kèm theo kế hoạch. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị, Nghị quyết, kế hoạch thực hiện của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Bố trí đầy đủ nguồn lực của địa phương theo quy định. Lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực của các chương trình, đề án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo; đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Kiểm tra, giám sát, khen thưởng, biểu dương đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xem xét trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về chính sách giảm nghèo;

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác giảm nghèo nhanh và bền vững; chủ động giám sát công tác này. Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tập trung giúp đỡ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; các hộ khá giả giúp đỡ cho hộ nghèo. Các địa phương có điều kiện kinh tế phát triển giúp đỡ những địa phương còn khó khăn. Xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững. Hằng năm xây dựng kế hoạch vận động giúp đỡ người nghèo, Tháng cao điểm “Vì người nghèo”. Hỗ trợ cho người nghèo từ Quỹ “Vì người nghèo”; vận động các đơn vị, tổ chức cá nhân thăm, tặng quà Tết cho người nghèo và tổ chức các chương trình Tết vì người nghèo, không để hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn không được quan tâm hỗ trợ. Tiếp tục tổ chức các cuộc vận động xã hội, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025, cùng với chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác giảm nghèo nhanh và bền vững./.